Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Với việc chú trọng chuyển đổi số, nhiều địa phương đã từng bước hình thành nên những vùng nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng.
Từ đó, từng bước đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững… Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới mà nhiều địa phương đang thực hiện.
Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định) là địa phương được Trung ương chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một trong những tiền đề để xã Giao Phong thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới thông minh là điểm sáng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống ở xóm Lâm Phú.
Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Lâm Phú cho biết, giờ đây chúng tôi không phải đi kiểm tra địa bàn, cũng không cần phải dùng loa truyền thanh như trước. Từ các góc camera, chúng tôi có thể kiểm soát được công tác vệ sinh, trang trí đường xá trong những ngày lễ, tết. Với người dân, ý thức tự giác giữ gìn môi trường, cảnh quan xóm làng cũng thay đổi khác hẳn xưa kia.
Đặc biệt, hiện nay 100% địa bàn xã được phủ sóng Wifi là yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới thông minh. Hiệu quả bước đầu có thể thấy rõ nhất đó là người dân đã nâng cao được tri thức cũng như đời sống tinh thần của mình.
Ông Phạm Hữu Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Phong cho biết, do có Wifi miễn phí nên từ lâu nhà văn hóa thôn đã trở thành những lớp học thêm ngoài giờ của các cháu học sinh. Đây cũng là yếu tố giúp xã Giao Phong là địa phương luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nam Định. Vì vậy, trong thời gian tới, xã Giao Phong sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của các Trưởng xóm trong sử dụng các thiết bị liên quan đến chuyển đổi số. Trước mắt là sử dụng phần mềm quản lý hệ thống camera an ninh, sau đó tiến tới đầu tư các phương tiện khác để phục vụ bà con đến làm việc tại khu vực một cửa của UBND xã.
Còn tại xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hơn một năm nay, gia đình anh Đào Kiều Anh đã biết bán trứng trên sàn thương mại điện tử. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây anh Anh đã có thể tự mình tạo kênh bán hàng riêng. Mỗi ngày gia đình anh Anh đóng gói, vận chuyển 35 nghìn quả trứng tới tay người tiêu dùng. Việc buôn bán trực tuyến này đã giúp gia đình bỏ qua được khâu trung gian nên giá cả ổn định, không còn lo thương lái ép giá.
Anh Đào Kiều Anh bộc bạch, trước đây gia đình tôi đổ buôn trứng cho thương lái. Hàng ngày, họ đánh xe ô tô đến mang trứng đi nên mình khá phụ thuộc. “Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mạng xã hội bùng nổ, các hình thức bán hàng trực tuyến được đẩy mạnh. Do đó, tôi đã nghiên cứu và tham gia các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Từ đó, thu nhập của gia đình ổn định và tốt hơn hẳn”, anh Kiều Anh chia sẻ.
Cũng bằng cách tận dụng lợi thế từ chuyển đổi số, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần giúp HTX từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mỗi ngày, HTX xuất đi gần 300 tấn cà rốt và tạo việc làm cho 50 lao động.
Ông Nguyễn Đức Thuật - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết, hiện cà rốt của chúng tôi đã được cấp mã vạch, mã vùng nên các sản phẩm ngày càng được mọi người biết đến nhiều hơn. Do đó, nhiều đơn vị đã trực tiếp liên hệ để tìm mua sản phẩm một cách dễ dàng.
Hiện nay, huyện Cẩm Giàng có 15/15 xã đều có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tới tất cả các thôn, xóm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Ông Trần Văn Tưởng - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, hiện nay huyện đã đẩy mạnh số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến, đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện.
Cũng giống cách làm của HTX Đức Chính (Hải Dương), ông Phạm Đăng Khuyến xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lại rất tâm huyết với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây cói của quê mình. Ông Khuyến mong muốn, sản phẩm mang nét văn hóa truyền thống để từ đó giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nhưng khi kinh doanh, ông Khuyến nhận thấy, sản phẩm có tốt, mẫu mã có đẹp đến mấy cũng phải thông qua sàn giao dịch điện tử mới tiếp cận được thị trường.
Ông Khuyến cho biết, chúng tôi đã cho ra một số các sản phẩm để phục vụ bà con trong nước và thu mua tất cả nguyên liệu của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng sản phẩm, chúng tôi yêu cầu rất khắt khe cho các vùng trồng nguyên liệu.
Được biết, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã có 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 50 xã nông thôn mới nâng cao, 18 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 431 thôn, xóm, phố kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tích cực vận động người dân ứng dụng chuyển đổi số trong cuộc sống. Hiệu quả bước đầu của mô hình điểm “Thôn thông minh” là cơ sở để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Ông Lê Văn Kiên - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian gần đây chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Để thực hiện việc này, MTTQ tỉnh đã triển khai xuống Ban Công tác Mặt trận. Từ đó, quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số. Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã cơ bản thành công.
“Với những yêu cầu trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, khơi dậy sự sáng tạo của nhân dân theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao đời sống cư dân nông thôn”, ông Kiên chia sẻ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-10276495.html