Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về chuyển đổi số với các đại biểu tại diễn đàn - Ảnh: THANH HƯNG

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Bộ TT-TT vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ, ngành, 47 tỉnh và thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 13 quốc gia tại Việt Nam; các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông.

Với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” và xác định đây là diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số tại Việt Nam. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền chính trị, kinh tế, xã hội.

Những chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp chuyển đổi số cho các bộ, ngành, địa phương của các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế tại diễn đàn này như: thị trường khối Chính phủ, các chính sách quản lý đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ mới; chuyển đổi số ngành và nhu cầu về các giải pháp chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương bước đầu làm tốt nhiệm vụ này là kinh nghiệm và giải pháp đã qua thực tiễn, hữu ích cho các bộ, ngành, địa phương khác trong chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Tại diễn đàn, Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn làm nòng cốt cho liên minh như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, Hài Hòa, Mobifone, BKAV… thể hiện sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ trong thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.

Phải thay đổi thói quen, nếp nghĩ

Với mục đích kêu gọi sự thống nhất hành động của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời mong muốn nhân được những thông tin hữu ích nhằm hoàn thiện dự thảo đề án, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam là diễn đàn chính sách và kết nối, hợp tác uy tín, được tổ chức từ năm 2011 đến nay.

Diễn đàn năm 2019 đã ghi nhận nhiều phát biểu cam kết và tuyên bố của các doanh nghiệp, tổ chức về các chương trình hành động, hoạt động thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu trong và ngoài nước đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam; chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp… Bên lề của diễn đàn lần này là triển lãm các giải pháp cho chuyển đổi số và hoạt động kết nối, tư vấn, hợp tác về chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Để chuyển đổi số thành công chắc chắn phải có khát vọng và ý chí sắt đá, phải đột phá ra khỏi tư duy vốn ràng buộc từ trước đến nay do các điều kiện khó khăn. Chúng ta có cơ hội nhưng cũng không quên cơ hội cũng dành cho các quốc gia khác, nếu chúng ta không tận dụng tốt sẽ là thách thức. Cái cốt tử chính là ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho tổ chức và cơ hội cho dân tộc.

Ngày 1/1/2019, Chính phủ giao Bộ TT-TT xây dựng đề án Chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, Bộ TT-TT đã dự thảo đề án và xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Hiện nay, dự thảo đề án đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cho biết: Tới đây, Chính phủ sẽ làm việc với Bộ TT-TT, Liên minh Chuyển đổi số quốc gia để tiếp thu các ý kiến, đề ra chiến lược và hành động cụ thể, thiết thực. Bắt đầu cần phải định hướng: Mục tiêu lớn gắn liền với giải pháp cụ thể, cũng như “Xây lâu đài nguy nga với từng viên gạch”. Xây với tâm thế của một nước đi sau, một nước kém và như thế muốn vượt thiên hạ thì phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần. Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi thói quen, nếp nghĩ, thậm chí nét văn hóa của những người làm lúa nước, vượt qua trào lưu cứ rộ lên một thời gian rồi lại chìm đi.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số nước nhà. “Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân và mọi lĩnh vực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn Công ty Nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội như: MISA, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, CLB Các trường đại học ngoài công lập, Vietnam Airlines, Vietcombank, các đại biểu đến từ các nước… đã cam kết phát triển nền tảng dịch vụ kế toán phục vụ chuyển đổi số hoạt động kế toán ngành sản xuất của các doanh nghiệp và tổ chức trên cả nước; nền tảng truyền thông số hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp, Du lịch, Y tế, Giáo dục...

Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò là công nghệ cốt lõi trong chuyển đổi số. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, giỏi toán, có nhiều tiềm năng để trở thành quốc gia có nguồn nhân lực AI mạnh trên thế giới. Tầm nhìn nào cho AI Việt Nam cùng những chính sách gì và hành động như thế nào để thực hiện tầm nhìn đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, điều phối phiên tọa đàm về chủ đề này đã chia sẻ nhiều báo cáo quan trọng. Như bức tranh toàn cảnh về AI trên thế giới và khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam; chính sách đột phá cho chuyển đổi số nói chung và phát triển AI nói riêng tại Việt Nam; giải pháp và lộ trình phát triển AI Việt Nam; xây dựng mạng lưới (network) AI Việt Nam…

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Chuyển đổi số quốc gia cần sự đồng thuận và nỗ lực chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò kiến tạo, thúc đẩy và dẫn dắt trước hết thuộc về các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Kế hoạch, mục tiêu và nhu cầu về các giải pháp chuyển đổi số cụ thể trong các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giúp cho công tác quy hoạch, quản lý và xây dựng chính sách hiệu quả, phục vụ tốt đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Do đó, Bộ trưởng TT-TT cho biết, các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, đi trước, phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong Top 50 vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030.

Năm yếu tố nền tảng Bộ TT-TT nhấn mạnh đó là: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, platform và đào tạo. Trong đó, quan trọng nhất về thể chế là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hóa Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

TRẦN THANH HƯNG

Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/225581/chuyen-doi-so-vi-mot-viet-nam-hung-cuong.html