Chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính công minh bạch, hiệu quả

Xác định việc chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương nên thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành của các cấp, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

 Trung tâm PVHCC tỉnh, nơi tiếp nhận và giải quyết các TTHC cho công dân - Ảnh: L.N

Trung tâm PVHCC tỉnh, nơi tiếp nhận và giải quyết các TTHC cho công dân - Ảnh: L.N

Từng bước hiện đại hóa nền hành chính

Được thành lập từ năm 2019, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh (PVHCC) luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý các TTHC. Hầu hết các văn bản của trung tâm đều được phát hành bằng hình thức văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc minh bạch, tiện lợi, đem lại niềm tin cho người dân, DN. Để từng bước hiện đại hóa nền hành chính, trung tâm đã triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC toàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện số hóa hơn 15.356 quy trình TTHC lên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy trình điện tử để đảm bảo phù hợp, chính xác theo quy định. Cùng với đó, trung tâm đã thực hiện liên thông dữ liệu hồ sơ TTHC giữa hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Qua đó, giảm thiểu công tác nhập liệu, giúp kế thừa, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC.

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ thanh toán trực tuyến toàn tỉnh cũng được trung tâm triển khai. Các giải pháp về số hóa trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC được thực hiện, góp phần vào quá trình chuyển đổi số trong giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước... Đặc biệt, trong thời gian COVID-19, Trung tâm PVHCC tỉnh và các cơ quan, đơn vị đã tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến hoặc nộp hồ sơ và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện tiếp nhận và giải quyết online; làm việc trực tuyến tại nhà; giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết TTHC đúng quy trình, tiến độ và thời gian.

Để hiện đại hóa nền hành chính, trung tâm còn bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy tính, máy in, máy quét (scan), máy xếp hàng tự động, máy quét mã vạch, điện thoại và cơ sở hạ tầng về công nghệ, thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi đến giao dịch. Đồng thời, hỗ trợ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan đơn vị có quầy giao dịch tại trung tâm thực hiện tiếp nhận, số hóa và trả kết quả hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

 Giao ban công tác tiếp nhận, trả kết quả TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh - Ảnh: L.N

Giao ban công tác tiếp nhận, trả kết quả TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh - Ảnh: L.N

Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công, viên chức được quan tâm. Từ 2019 đến nay, trung tâm đã tổ chức 90 lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho 3.962 lượt lãnh đạo, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Sau khi được tập huấn, lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đã sử dụng thành thạo các thao tác về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Đồng thời, chủ động hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến tỉnh và Cổng DVC quốc gia nhằm giảm bớt thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Chuyển đổi số trong hoạt động tiếp nhận và trả kết quả TTHC

Ngay sau khi thành lập, Trung tâm PVHCC tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trung tâm và trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Trong đó, việc triển khai thực hiện DVC trực tuyến đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu năm 2019, tổng số DVC trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng DVC trực tuyến tỉnh là 390 DVC/1.725 TTHC (đạt 22,61%) và chưa có DVC trực tuyến nào được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia thì đến nay đã có 1.198 DVC trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVC của tỉnh, trên tổng số 1.983 TTHC (đạt tỉ lệ 60,41%).

Hằng năm, Trung tâm PVHCC tỉnh đã phối hợp với Phòng Kiểm soát TTHC tích hợp, công khai các DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên cổng DVC quốc gia. Tính đến ngày 6/9/2022 đã tích hợp, công khai được 1.048 DVC mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng DVC quốc gia trên tổng số 1.919 TTHC, đạt tỉ lệ 54,61%, tăng 13,92% so với năm 2021.

Song song với việc xây dựng, tích hợp nâng cao số lượng DVC trực tuyến, trung tâm đã chủ động và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC trực tuyến tỉnh. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 65,34% tổng số hồ sơ tiếp nhận, cao hơn so với các năm trước. Ngoài ra, theo thống kê của Cổng DVC quốc gia, tính từ khi Cổng DVC quốc gia đi vào hoạt động (9/12/2019) đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 82.254 hồ sơ DVC trực tuyến mức độ 3, 4 nộp qua Cổng DVC quốc gia, đứng thứ nhất toàn quốc.

 Người dân được tạo điều kiện tốt nhất khi đến làm TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh -Ảnh: L.N

Người dân được tạo điều kiện tốt nhất khi đến làm TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh -Ảnh: L.N

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động tiếp nhận và trả kết quả TTHC, ngay từ những ngày đầu thành lập, tất cả các hồ sơ TTHC khi tiếp nhận tại trung tâm đều được scan và luân chuyển, lưu trữ trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Trong các hoạt động theo dõi, giám sát tình hình tiếp nhận, trả kết quả, trung tâm cũng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở tình hình số hóa hồ sơ TTHC của các đơn vị.

Thực hiện kế hoạch của tỉnh về số hóa kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước, Trung tâm PVHCC tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin-Viễn thông Quảng Trị nâng cấp, bổ sung các tính năng cơ bản trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để đáp ứng trước mắt một số yêu cầu số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ TTHC phải thực hiện ký số để đáp ứng theo quy định về dữ liệu điện tử.

Nhờ vậy, trong 7 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ số hóa hồ sơ của các cơ quan, đơn vị đạt 31%, bằng tỉ lệ số hóa của cả năm 2021 và gần bằng cả năm 2020; tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 52,78%, cao gấp 7,14 lần so với năm 2021 và gấp 11,48 lần so với năm 2020, điều này chứng tỏ các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến công tác số hóa kết quả giải quyết TTHC hơn những năm trước.

Thông tin từ Trung tâm PVHCC tỉnh cho biết, từ tháng 8/2019 đến ngày 31/7/2022, trung tâm đã tiếp 198.471 lượt người đến giao dịch tại trung tâm; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, BQL Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh và BHXH tỉnh đã tiếp nhận 100.150 hồ sơ, trong đó, đã giải quyết 98.327 hồ sơ; đang giải quyết 1.824 hồ sơ; tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,21%. Đa số các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đến công tác giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Với những kết quả đạt được cho thấy, việc chuyển đổi số xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch là bước đột phá, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thông minh, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=171150&title=chuyen-doi-so-xay-dung-nen-hanh-chinh-cong-minh-bach-hieu-qua