Chuyển đổi số - xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng đến mục tiêu 'nông dân sản xuất nông sản chất lượng, chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất'. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.
Phóng viên: Thưa đồng chí, cách tiếp cận chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào?
Đồng chí Trần Tấn Phương: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững phải dựa vào 3 trụ cột quan trọng là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Kinh tế nông nghiệp là một thành phần trong cấu trúc nền kinh tế quốc dân, do vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn thực hiện theo nghị quyết đại hội đã đề ra. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số đã và đang mang lại giá trị lợi ích cho xã hội trong tất cả các lĩnh vực đời sống - kinh tế - văn hóa - xã hội. Qua đó, đóng góp chung vào tăng trưởng chỉ số GDP quốc gia, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian qua, chuyển đổi số đã thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp rất lớn trong công tác quản lý, điều hành thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm truyền thống trực tiếp, sang tư duy mới, phù hợp và hiệu quả hơn để vượt qua những khó khăn, thách thức từ đại dịch. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số tác động đến cải thiện năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, đáp ứng kịp thời yêu cầu thị trường và khách hàng, giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản, giảm ảnh hưởng bởi những tác nhân trung gian, giúp giảm chi phí và cải thiện giá bán thông qua nền tảng công nghệ số và ứng dụng thiết bị số.
Phóng viên: Hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tấn Phương: Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong phạm vi ngành. Đơn cử như trong công tác quản lý biến động nguồn nước mặt, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 6 trạm quan trắc độ mặn nước với hệ thống cảm biến, tự động truyền thông tin dữ liệu thông qua các ứng dụng nền tảng công nghệ số. Về lĩnh vực bảo vệ cây trồng, đã lắp đặt 7 trạm quan sát côn trùng thông minh, tự động nhận diện phân loại và tổng hợp dữ liệu cập nhật thông tin theo thời gian thực trên hệ thống ứng dụng thiết bị và công nghệ số. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trang trại, các thiết bị cảm biến và thanh lọc môi trường nuôi, thiết bị tự động và bán tự động, hệ thống vận hành sản phẩm đã được lắp đặt tích hợp trong hệ thống chuồng trại chăn nuôi, giảm sử dụng lao động và nguy cơ lan truyền vi sinh vật gây hại. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hệ thống quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi thủy sản nước lợ đã được lắp đặt trên các trục sông chính. Các dữ liệu được cập nhật và tổng hợp phân tích phục vụ cho công tác chỉ đạo và sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất. Hoạt động đánh bắt thủy hải sản xa bờ, các thiết bị giám sát hành trình đã được triển khai và ngư dân lắp đặt phục vụ quản lý, minh bạch thông tin khai thác và trao đổi hỗ trợ kịp thời khi có sự cố bất ngờ. Việc quản lý bảo vệ rừng, thiết bị bay điều khiển từ xa đã được trang bị và đưa vào vận hành sử dụng tại chi cục và các hạt kiểm lâm trong tỉnh.
Phóng viên: Hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả như thế nào?
Đồng chí Trần Tấn Phương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy quá trình sử dụng và vận hành các hoạt động quản lý nhà nước trong phạm vi ngành đều được thực hiện trên hệ thống văn phòng điện tử. Kết quả cho thấy, hoạt động đã giảm bớt thủ tục giấy tờ, thông tin được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời và quy định rõ trách nhiệm người được phân công và thời hạn hoàn thành sản phẩm, kết quả rất cụ thể. Qua đó, nhận thức trong mỗi cán bộ, viên chức và người lao động đã nâng lên đáng kể. Các quyết định của người đứng đầu đơn vị được đưa ra kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế phát sinh. Sự hạn chế về thời gian công việc của mỗi cá nhân hay phụ thuộc khoảng cách không gian đã được khắc phục, trong đó trách nhiệm cá nhân vẫn được xác định đúng chuẩn mực quy định. Các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại trang sản xuất, các chủ cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nông nghiệp đến các chủ cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất và hộ nông dân đã có bước chuyển đổi tích cực trong việc ứng dụng công nghệ và thiết bị số, trong đó điện thoại thông minh với nhiều tính năng ứng dụng đã được khai thác phục vụ quản lý điều hành, cập nhật thông tin. Tuy bước đầu chuyển đổi, nhưng đã mang lại giá trị kinh tế rất rõ nét thông qua việc cải thiện các giao dịch kết nối sản xuất và tiêu thụ, kết nối cung ứng vật tư và dịch vụ sản xuất với nhiều sự lựa chọn đầu tư, chi phí thấp, tiết kiệm thời gian và mở rộng kết nối giao dịch nhanh chóng.
Phóng viên: Những khó khăn, thách thức nào trong quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng?
Đồng chí Trần Tấn Phương: Quy mô sản xuất nhỏ, dẫn đến thu nhập không ổn định cho người nông dân. Kỹ thuật canh tác của người nông dân vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm không chỉ mang đến hiệu quả không cao mà lâu dài còn ảnh hưởng đến chất lượng đất đai, nguồn nước. Tính liên kết và thiếu thông tin thị trường, dẫn đến thách thức cho người nông dân trong việc nắm bắt thông tin giá cả và biến động cung cầu. Thiếu hạ tầng về chế biến thực phẩm, dịch vụ và kho vận ở các vùng trồng, dẫn đến sản phẩm dễ bị hư hỏng, thất thoát sau thu hoạch gia. Khả năng tiếp cận tài chính và công nghệ của người nông dân còn hạn chế, dẫn đến không tối đa hóa được đầu vào cũng như không có đầu tư thích đáng cho mùa vụ. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác chưa đồng bộ, khó khăn trong việc tiếp cận máy móc vì cần vốn đầu tư cao. Những thách thức trên sẽ khó tìm thấy lời giải thấu đáo, nếu như không có sự xuất hiện của công nghệ số.
Phóng viên:Giải pháp trong chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Sóc Trăng là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tấn Phương: Vai trò của chuyển đổi số là 1 trong 3 trụ cột quan trọng góp phần tạo nên sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, trên cơ sở đổi mới tư duy và hành động nhằm chủ động nắm bắt và khai thác tốt các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cho thấy yếu tố con người trong việc chuyển đổi số giữ vai trò quyết định. Do vậy, ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức từ đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động trong ngành đến các chủ thể, các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận và sử dụng tốt nhất các nguồn lực, các thành tựu khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh nơi họ tổ chức quản lý và hoạt động. Song song đó, các giải pháp về xây dựng nền tảng công nghệ số, thiết bị số cũng sẽ được ưu tiên lựa chọn. Các hoạt động đầu tư sẽ hướng đến từng nhóm đối tượng và mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, các nhóm cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật trong ngành, doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng nhau chung tay hướng đến 4 mục tiêu chính, đó là: gieo trồng thông minh, gieo trồng đúng giống, trên đúng từng loại đất, vào đúng thời điểm. Sản xuất thông minh nhằm tối ưu hóa năng suất, tối thiểu chi phí đầu vào.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!