Chuyển đổi số y tế: Nhiều lợi ích cho người dân khi đi khám, chữa bệnh
Theo Bộ Y tế, trong 3 năm qua ngành y tế đã có nhiều đổi mới về công nghệ. Trong tương lai, Bộ sẽ phát triển y tế từ xa, đặc biệt là triển khai các nền tảng số y tế.
Ngày 29-10, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức “Diễn đàn ứng dụng công nghệ y tế trong chăm sóc sức khỏe: Giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo”.
Diễn đàn nhằm giới thiệu và kết nối tiềm năng đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế giữa các tổ chức, đơn vị trong nước cũng như với các nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - trong 3 năm qua khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành y tế có nhiều đổi mới sáng tạo hơn. Điển hình là sự ra đời của các ứng dụng công nghệ về giám sát bộ gene, chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh, phát triển y tế từ xa...
Đổi mới sáng tạo trong y tế bao gồm việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học.
Ngành y tế đã tiên phong trong đổi mới trong một số khía cạnh như đổi mới công nghệ, phát triển các thiết bị y tế mới, thiết bị chẩn đoán, các giải pháp y tế từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin y tế.
Ứng dụng kỹ thuật số, tích hợp các công nghệ kỹ thuật số trong thiết bị y tế giúp theo dõi sức khỏe liên tục, từ xa, tiếp nhận kịp thời thông tin tư vấn y tế.
Thứ ba là dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn sử dụng trong trích xuất thông tin giúp dự đoán sự bùng phát dịch bệnh và xu hướng biến đổi của cơ cấu bệnh tật trong cộng đồng.
Thứ tư, đổi mới công nghệ sinh học liên quan đến việc điều khiển các quá trình sinh học để phát triển các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị, các liệu pháp tiến tiến như liệu pháp gene, tế bào gốc, y học tái tạo.
Thứ năm, đổi mới về y học từ xa đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép tư vấn từ xa với các nhà cung cấp dịch vụ; giảm nhu cầu thăm khám trực tiếp; cải thiện việc cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, y tế cơ sở và trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Theo ông Thuấn, mục tiêu của Bộ Y tế trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho y tế từ xa, đặc biệt là triển khai các nền tảng số y tế.
Hiện Trung tâm Thông tin y tế quốc gia Bộ Y tế đang đẩy mạnh các nền tảng như hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng và quản lý trạm y tế. Các ứng dụng này có thể dễ dàng tích hợp với các nền tảng của cơ sở y tế khác.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM- cho biết bệnh viện này đã xây dựng và phát triển bệnh án điện tử hoàn chỉnh.
Phần mềm bệnh án điện tử với nhiều phân hệ chức năng như nội trú, ngoại trú, dược, quản lý hồ sơ, bảo hiểm y tế, tài chính… Các phân hệ này liên thông với nhau không chỉ phục vụ chuyên môn mà còn nâng cao công tác quản trị, phục vụ khách hàng.
Mỗi người bệnh điều trị tại đây đều được ghi đầy đủ hồ sơ sức khỏe cá nhân với các thông tin bệnh lý, tiền sử cá nhân, thông tin dị ứng thuốc cũng như phương pháp điều trị đã thực hiện.
Hiện, bệnh viện còn thực hiện khám chữa bệnh từ xa, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, tiên phong triển khai hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh, xây dựng mới và số hóa quy trình chuyên môn, điều trị và chăm sóc người bệnh.
Tại diễn đàn, đại diện các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu Việt Nam và thế giới về y khoa đã chia sẻ những mô hình đổi mới sáng tạo hiện nay.
Chẳng hạn, mô hình Telehealth trong khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mô hình Trung tâm hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo của Đại học Y Dược TP HCM, việc phát triển các công nghệ về thiết bị cầm tay trong hồi sức tích cực bệnh truyền nhiễm của Đại học Oxford - OUCRU, ứng dụng AI trong y học cá nhân hóa loãng xương của Viện Nghiên cứu Tâm Anh, ứng dụng công nghệ 3D trong điều trị cá thể hóa của hệ thống y khoa Vinmec…