Chuyển đổi số y tế: Tầm nhìn cho tương lai

Trong chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, y tế là ngành đang được ưu tiên CĐS mạnh mẽ. Trong xu thế này, các đơn vị y tế trong tỉnh đã và đang áp dụng các công nghệ, phần mềm tiên tiến, cải tiến thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, quản lý bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.

Y, bác sĩ vận hành máy lọc thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên

Y, bác sĩ vận hành máy lọc thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên

Đồng loạt áp dụng công nghệ, phần mềm tiên tiến

Thời gian gần đây, ông Đặng Văn Bi, ở phường Bình Nhâm, TP.Thuận An khi đến Trung tâm Y tế TP.Thuận An khám bệnh đã rất vui vì bệnh viện triển khai các hàng chờ với bên trên là bảng điện tử thể hiện số thứ tự tại các quầy thanh toán, nhận thuốc. Ông Bi cho biết: “Bảng điện tử này bảo đảm tính công bằng cho người bệnh và chủ động hơn trong thời gian chờ đợi. Hệ thống hàng chờ thông minh tích hợp công nghệ cao và sẽ tính toán tự động, bệnh nhân nào khám xong trước sẽ được thanh toán trước, rất tiện lợi và nhanh chóng”.

Không chỉ ở Trung tâm Y tế TP.Thuận An triển khai các hàng chờ mà hầu hết các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai nội dung này. Không chỉ triển khai các hàng chờ, các đơn vị còn triển khai nhiều hình thức đăng ký khám bệnh phù hợp cho người dân như: Tiếp nhận bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và giấy tờ tùy thân có ảnh; sử dụng căn cước công dân; sử dụng ứng dụng VssID, ứng dụng VNeID; sử dụng thẻ One Card và đăng ký trực tuyến thông qua phần mềm E-hospital...

Với những hình thức đăng ký trên, bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 giây là đăng ký xong. Đặc biệt, khi một bệnh nhân nhập viện, thay vì phải chẩn đoán để loại trừ rất lâu với hàng loạt thủ tục khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng hơn trên nền tảng dữ liệu về bệnh nhân đã có: Tiền sử bệnh tật, lịch sử tiêm chủng, các kết quả khám, chữa bệnh gần đây… Tất cả những điều này sẽ mang đến sự thoải mái, thuận tiện cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, cũng như kết quả khám chữa bệnh tốt hơn trên nền tảng áp dụng công nghệ thông tin, phần mầm tiên tiến.

Hiện nay, một trong những xu hướng CĐS được các đơn vị y tế quan tâm đó là áp dụng hệ thống hồ sơ điện tử, ứng dụng di động, hệ thống quản lý và các công nghệ tiên tiến. Trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” trong tương lai gần. Sáng kiến này hướng tới mục tiêu xây dựng, triển khai thành công hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, bảo đảm mỗi người đều sở hữu một hồ sơ sức khỏe điện tử, cập nhật thông tin liên tục. Người dân hoàn toàn có thể chủ động quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của chính mình.

Tầm nhìn cho tương lai

Theo kế hoạch triển khai các nội dung CĐS đến năm 2025, ngành y tế tỉnh quyết tâm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu CĐS y tế theo các nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, việc CĐS tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả, hiện đại; người dân được chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn diện, suốt đời. Theo đó, toàn ngành phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám bệnh trực tuyến; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%.

Thời gian này, ngành cũng hoàn thành triển khai hệ thống thông tin hồ sơ sức khỏe điện tử với 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 30% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Bệnh viện 1.500 giường) phải triển khai hoàn thành bệnh án điện tử làm tiền đề, nền tảng xây dựng bệnh viện thông minh. Bệnh viện cũng liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế, dữ liệu khác về y tế để tích hợp, xây dựng kho dữ liệu ngành y tế nhằm chia sẻ, cung cấp cho các cơ quan chức năng theo yêu cầu và hình thành, xây dựng trung tâm thông tin, điều hành y tế tại tỉnh phục vụ công tác khai thác, quản lý, điều hành. Đồng thời, đơn vị thí điểm ứng dụng các công nghệ số: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain)... trong một số lĩnh vực, hoạt động y tế đủ điều kiện

Trao đổi với P.V, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị được giao triển khai thực hiện 2 nội dung trọng yếu là hội chẩn bệnh án, chẩn đoán, điều trị từ xa (Telehealth) giữa các tuyến và xây dựng bệnh viện thông minh theo lộ trình. Để triển khai bệnh viện thông minh, bệnh viện đang tiến hành theo lộ trình: Hoàn thành hệ thống HIS (phần mềm quản lý khám, chữa bệnh), hoàn thành hệ thống quản lý xét nghiệm, cận lâm sàng, quản lý hình ảnh, hoàn thành bệnh án điện tử, tiến tới ứng dụng công nghệ AI, IoMT, Big Data, hình thành bệnh viện thông minh”.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, các đơn vị y tế tuyến huyện, thị, thành phố cũng đã, đang hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS chủ động triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh.

KIM HÀ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chuyen-doi-so-y-te-tam-nhin-cho-tuong-lai-a317672.html