Chuyển đổi xanh: Đừng để doanh nghiệp bơi một mình
Chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững đang trở thành mục tiêu chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều rào cản từ cả phía doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khi tiến hành lộ trình này, doanh nghiệp cần sự đồng hành chặt chẽ từ Nhà nước, đặc biệt trong chính sách và cung cấp nguồn vốn xanh, tạo bàn đạp thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Vượt qua các chướng ngại vật
Doanh nghiệp Việt đang cải tiến mạnh mẽ, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và chuyển đổi xanh. Điều này không chỉ giúp sản phẩm "Make in Vietnam" đáp ứng tiêu chuẩn xanh quốc tế mà còn tăng cơ hội xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe, doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn, như tích hợp ít nhất 20-30% nguyên liệu tái chế để đạt chứng nhận xanh, hưởng ưu đãi thuế và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tái chế phế liệu và sản phẩm đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao giá trị và giảm chi phí sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp trong ngành cao su, nhựa đang tích cực tìm kiếm giải pháp bằng cách tái chế phế liệu, thực phẩm đã qua sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm mới. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.
Theo giới phân tích, một khi tất cả các công ty cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đáp ứng các quy định về môi trường và yêu cầu bền vững cao hơn là nhiệm vụ cần thiết trong việc phát triển chiến lược kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi xanh nhưng để làm được điều này đòi hỏi họ phải có nguồn lực đầu tư máy móc, quy trình sản xuất để tối ưu hoạt động xanh. Mặt khác, các hoạt động tái chế luôn cần quỹ đất nhưng thực tế nguồn lực này ngày càng ít và đắt đỏ, mà đã tạo rào cản sự quyết tâm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh" - ông Quốc Anh nói.
TPHCM ưu tiên thu hút các dự án xanh, công nghệ cao
UBND TPHCM vừa có quyết định số 4819/QĐ-UBND ngày 29/10/2024 về ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM năm 2024 – 2030. Theo đó, các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM phải đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao và tiêu chí xanh.
Chủ đầu tư dự án phải cam kết có các nội dung như tiết giảm, tái sử dụng, tái chế và phân loại chất thải tại nguồn; hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; trồng và bảo vệ cây xanh, phát triển mảng xanh; hướng tới nền kinh tế xanh.
Các dự án phải ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%, đến năm 2045 đạt tối thiểu 65% - 70%. DN phải có giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7 - 10% vào năm 2030 và khoảng 14 - 20% vào năm 2045.
Các dự án sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, trong đó miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo quy định…
Theo ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon (chuyên xuất khẩu thực phẩm chế biến), trước đây khi nhập nguyên liệu đông lạnh về, cần phải rã đông trước khi đưa vào chế biến. Để thực hiện phải mất nhiều thời gian, tiêu tốn nguồn nước, điện, thời gian, nhân lực…
Sau đó, công ty mua được máy rã đông từ nước ngoài để thực hiện công đoạn này đã giúp giảm tối đa các vấn đề trên, đặc biệt giúp giảm thải nguồn nước ra môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Nhưng máy này lại rất đắt đỏ khiến khó doanh nghiệp nào có thể đủ nguồn tài chính mua sắm.
“Chúng tôi phải trích lợi nhuận mỗi năm mới có đủ nguồn lực mua sắm máy móc để chuyển đổi xanh. Do đó, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện được các điều kiện tiêu chuẩn xanh, Nhà nước có thể hỗ trợ tín dụng xanh với mức lãi suất hợp lý cũng như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào việc đóng góp cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam” – ông Long nói.
Rất cần bệ đỡ của Nhà nước
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, các doanh nghiệp khi chuyển đổi xanh sẽ đối diện với nhiều thách thức, mà nội lực doanh nghiệp là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Tiến sĩ Minh, việc nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ khâu thiết kế đến khâu triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc tạo được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý vẫn là một thách thức.
Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây cũng là thách thức lớn đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, sự gia tăng giá năng lượng đang đặt ra một thách thức lớn khác cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời để giảm thiểu chi phí sản xuất và ứng phó với tình hình biến động của giá năng lượng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ và nguồn lực.
"Những doanh nghiệp trong ngành nhựa khi muốn tái chế, thì họ đang gặp vấn đề lớn về đầu vào nguồn tái chế. Dù Nhà nước đã có những quy định về phân loại rác tái chế, nhưng câu chuyện này vẫn chưa thực hiện triệt để. Điều này dẫn đến doanh nghiệp phải tốn nguồn lực lớn để xử lý vật liệu tái chế, khiến giá thành sản phẩm tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức liên quan" - ông Anh nói.
Giải pháp tháo gỡ rào cản cho quá trình chuyển đổi xanh
Trước hết, việc xây dựng một hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp và dự án đầu tư được coi là "xanh" là điều cấp thiết. Trên cơ sở này, Nhà nước có thể thiết kế các cơ chế và chính sách ưu đãi phù hợp, mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Một thách thức lớn khác là chi phí đầu tư ban đầu cho chuyển đổi xanh thường cao, khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại đổi mới công nghệ và cải tiến dây chuyền sản xuất. Để giải quyết, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính rõ ràng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ngắn hạn và nhận ra lợi ích dài hạn từ việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh là cần thiết. Doanh nghiệp cần hiểu rằng sự hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Nếu không kịp thời thích nghi, họ sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại nghiêm trọng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng ý thức tiêu dùng bền vững trong cộng đồng.
Cuối cùng, Chính phủ phải nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Đồng thời, việc huy động đủ nguồn lực tài chính và sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chuyen-doi-xanh-dung-de-doanh-nghiep-boi-mot-minh-post822721.html