Chuyển đổi xanh là cơ hội, nhu cầu
Chuyển đổi xanh không chỉ là nhu cầu tất yếu mà còn là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường
Ngày 30-10, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn đầu tư với chủ đề "Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư".
Đòi hỏi tăng trưởng xanh
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi ý địa phương bổ sung đột phá chiến lược. Đó là phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
"Tỉnh Lâm Đồng mong nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp (DN) liên quan phát triển xanh, cùng những ý kiến, giải pháp, mô hình cụ thể của các chuyên gia, nhà quản lý để địa phương ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên và cả nước" - ông Trần Hồng Thái bày tỏ.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ rõ 4 vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu, bao gồm tác động của việc tăng dân số thế giới, nhu cầu nông sản tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và tình trạng biến đổi khí hậu. Các vấn đề này đều ảnh hưởng đến Việt Nam nên không chỉ tỉnh Lâm Đồng mà cả nước đều phải chuyển đổi xanh bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo ông Phạm S, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1393/2012 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Đối với Lâm Đồng, chiến lược phát triển đến năm 2050 của tỉnh đã đặt ra mục tiêu phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, thông minh và đáng sống. "Tỉnh Lâm Đồng đã và đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư 15 dự án để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên công nghệ cao, phát triển xanh" - ông Phạm S thông tin.
Cần cơ chế cho nguồn vốn xanh
Về phía DN, bà Đoàn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, cho biết công ty hiện là thành viên của Hiệp hội Cà phê 4C toàn cầu. Từ năm 2019 đến nay, công ty đạt được chứng nhận Rainforest Alliance nhờ quy trình sản xuất không gây mất rừng, thực hành bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, giảm phát thải và đáp ứng đầy đủ quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu. "Chúng tôi kiên trì thuyết phục từng hộ nông dân thay đổi tư duy sản xuất, khuyến khích bà con thu hoạch trái chín, chọn lọc, sơ chế, sản xuất theo công nghệ sạch để có thu nhập cao hơn, đồng thời hướng tới sản xuất xanh, sạch hơn" - bà Ngọc nói.
Ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết nhu cầu tài chính phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển xanh cho giai đoạn đến 2040 là khoảng 368 tỉ USD. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh nguồn lực để đáp ứng còn khá hạn chế.
Theo đại diện Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN, trong đó đề cập việc phát hành trái phiếu xanh của DN. Chính phủ cũng mở cho cho chính quyền các địa phương phát hành trái phiếu xanh nhằm phục vụ đầu tư xanh. Đến nay đã có 3 DN phát hành trái phiếu xanh để phục vụ dự án xanh của mình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 101/2021, cho phép chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán.
Khẳng định thời gian qua, Việt Nam đã có một số cơ chế, chính sách quan trọng để huy động nguồn lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ông Thăng cho rằng nhờ đó, nước ta bước đầu đã tiếp cận được khái niệm "xanh" và "phát triển xanh". Tuy nhiên, về việc phân bổ ngân sách, các tiêu chí còn chưa rõ ràng, nhất là tiêu chí xác định thế nào là "xanh".
"Cần kiến nghị Quốc hội đưa các dự án xanh vào kế hoạch phân bổ vốn đầu tư để có cơ sở, căn cứ thực hiện. Hoặc cho phép địa phương chủ động thí điểm hỗ trợ ngân sách cho các dự án xanh thông qua quỹ đầu tư của địa phương. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở rộng đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi bao gồm DN phát triển dự án xanh" - ông Thăng đề xuất.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Phạm S khẳng định tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, đồng thời cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư phát triển dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Khuyến khích du lịch xanh, năng lượng xanh
GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ thuộc Liên minh Sống Xanh, cho hay quốc tế đánh giá Việt Nam có tiềm năng bức xạ mặt trời để sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới, chỉ sau Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam giai đoạn trước đối mặt với một số khó khăn liên quan quy hoạch, tiêu thụ điện. Hiện nay, Quy hoạch Điện VIII đã cởi trói cho các dự án điện mặt trời, nhất là dự án quy mô nhỏ. Trong bối cảnh công nghệ đã có những bước tiến mạnh mẽ, GS Lê Anh Tuấn khẳng định cần tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Về du lịch, ông Tuấn đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu chính sách hỗ trợ du lịch, khởi nghiệp xanh. "Không phải là sơn cái máy bay màu xanh là thành du lịch xanh. Du lịch xanh là khái niệm phi vật thể, là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững và quan trọng là kết nối được các đơn vị với nhau" - GS Lê Anh Tuấn nói.
Báo Người Lao Động đồng hành với nhà đầu tư xanh
Phát biểu tại diễn đàn, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng đầu tư theo hướng xanh, sạch và phát triển bền vững là xu thế tất yếu. Diễn đàn này mở ra những ý tưởng mới trong việc phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển xanh, nhất là đối với vùng đất có tài nguyên rừng rất lớn, văn hóa lâu đời, khí hậu ôn hòa và cảnh quan rất đẹp như tỉnh Lâm Đồng.
Cho biết Báo Người Lao Động là một trong những cơ quan bảo trợ truyền thông cho Diễn đàn "Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư", ông Tô Đình Tuân hy vọng không riêng Lâm Đồng mà nhiều địa phương khác như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... cũng tổ chức những diễn đàn này.
Là cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động đã và đang tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ. Năm 2023, Báo được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá trưởng thành chuyển đổi số đạt mức xuất sắc, vào tốp 10 cơ quan báo chí cả nước và dẫn đầu tốp 5 cơ quan báo chí khối địa phương.
Ngoài báo in, báo điện tử, hiện Báo Người Lao Động còn có 13 kênh mạng xã hội với lượng tương tác bạn đọc lớn. Chính vì vậy, cùng với các cơ quan truyền thông khác, Báo Người Lao Động có kế hoạch đồng hành với các nhà đầu tư xanh và chia sẻ với các địa phương có dự án xanh, sạch như tỉnh Lâm Đồng.
"Để thể hiện sự đồng hành đó, ngày 4-11, Báo Người Lao Động sẽ mở chuyên trang đặc biệt với tên gọi "Kinh tế xanh". Chuyên trang này sẽ thông tin về các chương trình, dự án của các địa phương, DN, nhà đầu tư cần kết nối, hỗ trợ truyền thông" - ông Tô Đình Tuân thông tin.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-doi-xanh-la-co-hoi-nhu-cau-196241030214934027.htm