Chuyển đổi xanh tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đang lấy chuyển đổi xanh làm chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (ảnh), Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.
Thế giới đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều đang tập trung giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái để đạt được mục tiêu toàn cầu trong bảo vệ con người, sinh vật và tự nhiên. Các quy định thương mại toàn cầu đang hướng tới việc doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học.
Năm 2023, Việt Nam đã vươn lên TOP 20 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới về xuất nhập khẩu. Để duy trì được vị thế này, đặc biệt giữ vị thế ở các thị trường trọng tâm của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., Việt Nam phải thực hiện các quy định của thế giới.
Từ tháng 1/2023, EU đã chính thức đưa ra quy định bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Theo quy định này, đến tháng 6/2024, các nước châu u phải lồng ghép quy định về báo cáo phát triển bền vững vào luật để thực hiện. Chính vì vậy, các định chế tài chính toàn cầu cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc Việt Nam phải có báo cáo phát triển bền vững. Trong báo cáo phát triển bền vững thì 3 yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường được thể hiện trong báo cáo ESG của doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ không được tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu.
Từ tháng 1/2023, theo quy định của CBAM (kiểm soát khí nhà kính thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào EU), 4 mặt hàng của Việt Nam chịu tác động trực tiếp là thép, xi măng, nhôm và phân bón. Khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu u phải có báo cáo về giảm phát thải trong lĩnh vực sản xuất của mình. Từ tháng 1/2026, các nước muốn xuất khẩu hàng sang Châu u phải mua tín chỉ carbon. Đây là những quy định, yêu cầu để Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong thời gian sắp tới, nếu như doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tuân thủ đúng các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục có cơ hội tham gia vào thương mại đầu tư toàn cầu, còn nếu không tuân thủ thì doanh nghiệp sẽ gặp khó. Đặc biệt là hiện nay, khi các nước châu u đã đặt lên tiêu chuẩn xanh là số một, chất lượng là số 2 và giá là thứ 3. Do đó, nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ mất đơn hàng và mất đơn hàng đột ngột. Rủi ro liên quan đến khí hậu là rủi ro được các định chế tài xếp hạng là rủi ro lớn nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp dừng sản
xuất.
Thực tế hiện nay, nhiều quy định, yêu cầu về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn còn khá lạ lẫm với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để có thể thực hiện được những yêu cầu này?
Đặc điểm của các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Việc chuyển đổi không phải chỉ là trách nhiệm về mặt xã hội của doanh nghiệp, mà là chiến lược kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để có thể thực hiện được mục tiêu tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu.
Để thực hiện được nội dung này thì các định chế tài chính trên thế giới và các nước lớn cũng đã thiết kế ra tài chính, khí hậu và tài chính sách để hỗ trợ các nước đang phát triển. Doanh nghiệp cần thực hiện việc ghi nhận việc giảm phát thải carbon từ tiền dự án cho đến kết thúc dự án để việc nỗ lực của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải sẽ được ghi nhận. Những điều này sẽ giúp doanh nghiệp hình thành tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được các công ty định giá trên thế giới định giá theo chi phí bỏ ra bao gồm: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, giảm phát thải carbon, cải thiện điều kiện cải thiện điều kiện sống của cư dân trong khu vực sản xuất... Các định chế tài chính toàn cầu thiết kế để chi phí bỏ ra để chuyển đổi xanh, để giảm phát thải sẽ được bù đắp hoàn toàn thông qua bán tín chỉ carbon này.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải thực hiện được báo cáo ESG, báo cáo phát triển bền vững, báo cáo giảm phát thải theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu để được ghi nhận và thu hồi được tiền đầu tư cho môi trường, đầu tư cho giảm phát thải. Doanh nghiệp cần coi đó là một khoản đầu tư chứ không phải là khoản chi phí. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định toàn cầu thì phần chi phí bỏ ra sẽ không thu hồi được và sẽ là tổn thất của doanh nghiệp.
Hiện nay các tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới đã được chuyển thành tiêu chuẩn Việt Nam, dễ dàng cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các hiệp hội. Doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ nhau để giảm chi phí tối thiểu.
Ông đánh giá như thế nào về ý thức của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh thời gian qua?
Thời gian qua, ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tăng lên rất cao trong việc thực hiện giảm phát thải, giảm sự tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thực hiện theo cách như đang làm “từ thiện”, chưa thể hiện hết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Doanh nghiệp cũng không có một phương pháp chuẩn theo đúng tiêu chuẩn của báo cáo để thực hiện các công việc theo đúng quy chuẩn và đúng quy định để được hưởng lợi từ hành động của mình.
Nếu như doanh nghiệp thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà thế giới yêu cầu, các nước phát triển yêu cầu, hàng rào phi thuế quan của các nước yêu cầu thì khoản chi phí của doanh nghiệp sẽ trở thành khoản đầu tư có thể thu hồi.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ cũng như các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp có giải pháp thích ứng với quy định mới của thương mại và đầu tư toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!