Chuyển động ở Hàm Tân - La Gi: Nơi đô thị mới tiếp nối nông thôn mới
Trong khi dự án Khu công nghiệp (KCN)Tân Đức vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì KCN Sơn Mỹ 2 đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, KCN Sơn Mỹ 1 đang khởi động các bước như đền bù, ký quỹ... Phác thảo từ các dự án trên với những đô thị mới mọc lên trong thời gian không xa nữa, trong đó có cả KCN nối cả 2 huyện, thị Hàm Tân - La Gi tạo ra vùng giáp ranh sôi động khiến các xã và cả người dân có liên quan tưởng chừng như tỉnh giấc sau thời gian dài chờ đợi…
Chuyển động ở Hàm Tân - La Gi
Xuất phát điểm
Ngày này của 46 năm trước, huyện Hàm Tân cũ đã được giải phóng. Năm 2005, thị trấn La Gi và một số xã được nâng cấp lên thị xã, những xã còn lại tập trung về thành huyện Hàm Tân. Từ đó đến nay, nếu La Gi nổi lên với phát triển kinh tế biển, cũng như đẩy mạnh du lịch ven biển thì Hàm Tân với đất rộng, người thưa xác định hướng phát triển nông nghiệp với các mô hình sản xuất kết hợp, cùng giấc mơ đến ngày những KCN trong quy hoạch sẽ triển khai. Và đến giữa tháng 4 vừa qua, dự án KCN Tân Đức đã có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì xã Tân Đức cũng bắt đầu hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điều đáng nói, hành trình xây dựng nông thôn mới của xã này từ những năm qua đều trên nền tảng phát triển kinh tế nông nghiệp, vốn dĩ chứa đựng nhiều rủi ro và lại là nơi thiếu nước. Nhưng với sự vận dụng linh hoạt, sự gắng sức của cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng người dân, Tân Đức thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của Hàm Tân khi đạt 19/19 chỉ tiêu theo quy định vừa nhanh vừa cao; thể hiện rất cụ thể và thiết thực ở thu nhập, cũng như tinh thần đóng góp trong xây dựng các công trình hạ tầng. Đó cũng là lý do Tân Đức là 1 trong 2 xã được Hàm Tân chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong danh sách chung 8 xã.
Với các tiêu chí đặt ra đúng nghĩa của tên gọi nông thôn mới nâng cao, Tân Đức đang nằm trong vận hội đón nhận “cơn lốc” phát triển trên mọi mặt, khi KCN Tân Đức đi vào hoạt động nên không khó để thực hiện điều đó; nhất là với lộ trình đến năm 2023, hoàn thiện hạ tầng KCN; phấn đấu thu hút đầu tư thứ cấp lấp đầy 70% diện tích đất công nghiệp cho thuê.
Nếu so sánh sẽ thấy Tân Đức có lợi thế hơn hẳn Sơn Mỹ, Tân Thắng, 2 xã khác cùng huyện có dự án KCN Sơn Mỹ 2, với quy mô gần 5.000 ha đất được đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, khi nhìn ở góc độ xuất phát điểm tiếp nhận KCN hình thành trên địa bàn. Vì một đằng Sơn Mỹ có những điểm chưa nổi bật riêng, dù đã được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2016. Còn một đằng là xã Tân Thắng thì đang hoàn thiện các tiêu chí chờ được công nhận. Trong khi đó, xã giáp ranh thuộc thị xã La Gi là Tân Phước cũng có một số diện tích thuộc dự án KCN Sơn Mỹ 2 thì mới được công nhận nông thôn mới trong năm qua. Tất cả, với những xuất phát điểm trên có được từ xây dựng nông thôn mới, các xã cũng như các hộ dân trong xã có những thuận lợi, khó khăn riêng trong tiếp nhận dự án trên địa bàn cũng như hội nhập.
Kết nối
Những ngày chủ đầu tư dự án KCN Sơn Mỹ 2 xúc tiến các việc như hoàn thành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, đang hoàn chỉnh trình duyệt nhiệm vụ và quy hoạch phân khu xây dựng…thì ở góc độ địa phương, UBND cấp huyện cũng có những thống nhất trong kế hoạch riêng để kết nối, tạo sự đồng bộ trên vùng đất giáp ranh. Ví dụ như tại xã Tân Phước (thị xã La Gi) đã có định hướng xây dựng quy hoạch phân khu ven biển Tân Phước với ranh dự án quy hoạch tiếp giáp với KCN, tập trung phát triển công nghiệp nhằm tận dụng lợi thế hạ tầng của dự án. Ngoài ra, với phần dự án của KCN Sơn Mỹ 2 trên địa bàn thị xã La Gi nói chung, xã Tân Phước nói riêng sẽ xuất hiện các modul dự án đô thị mới nên tương lai khi chúng hình thành thì cũng sẽ trở thành trung tâm đô thị của Tân Phước, kéo đô thị La Gi về phía nam.
Theo định hướng phát triển dự án KCN Sơn Mỹ 2, với tên gọi đầy đủ là dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận, có 2 giai đoạn đầu tư với tổng diện tích gần 5.000 ha thì diện tích dành cho phát triển đô thị, dịch vụ đã chiếm hơn 2.000 ha. Riêng trong giai đoạn 1, có quy mô khoảng 715 ha, xây dựng 3 dự án; trong đó, xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với diện tích 540 ha, Khu dịch vụ - đô thị, tái định cư 1 rộng 97,62 ha và Khu dịch vụ - đô thị, tái định cư 2 rộng 77,45 ha đều thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Toàn bộ diện tích của 2 khu tái định cư trên sẽ được phục vụ cho mục đích tái định cư của toàn bộ dự án giai đoạn 1, cũng có nghĩa 679 hộ dân của Sơn Mỹ, Tân Thắng (Hàm Tân) và 150 hộ dân của Tân Phước (La Gi) sẽ được tái định cư, tập trung về vùng xây dựng các đô thị thông minh, mà trong tương lai sẽ kéo các vùng lân cận hình thành các khu đô thị vệ tinh đồng bộ cả về chức năng và hạ tầng.
Tháng 10/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương để nhà đầu tư lập hồ sơ khảo sát, nghiên cứu đầu tư 3 dự án thành phần nằm trong giai đoạn 1 và tiến hành nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 theo nội dung Tờ trình 3664/TTr-UBND ngày 21/9/2020 của UBND tỉnh. Sau đó, các sở, ban ngành, UBND cấp huyện liên quan đã phối hợp triển khai các bước tiếp theo. Và dự án KCN Sơn Mỹ 2 đang trong trình tự chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những tiến triển trên của dự án khiến người dân tin vùng giáp ranh Hàm Tân – La Gi hay có thể gọi là vùng kết nối trong định hướng, nay mai sẽ tạo ra những bước chuyển trên nhiều mặt. Là bước chuyển từ vùng nông thôn sang phố thị, khi hiện trạng đất trong dự án phần lớn là đất nông nghiệp, trong đó có cả đất lúa và đất rừng sản xuất. Là bước tiếp nối của đô thị mới từ nền tảng nông thôn mới, khi 3 xã nằm trong dự án đều đã và sẽ là xã nông thôn mới. Và lớn hơn hết thảy, đó là bước chuyển một vùng bao trùm cả huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.
Theo định hướng phát triển dự án KCN Sơn Mỹ 2, với tên gọi đầy đủ là dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận, có 2 giai đoạn đầu tư với tổng diện tích gần 5.000 ha thì diện tích dành cho phát triển đô thị, dịch vụ đã chiếm hơn 2.000 ha.