Chuyển động trên vùng rau 900.000 tấn

Cách thành phố 32 km, huyện Đơn Dương là một trong bốn vùng phụ cận được sử dụng nhãn hiệu 'Rau Đà Lạt'. Đất đai nơi đây được dòng sông Đa Nhim bồi đắp, khí hậu ưu đãi, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Đây cũng là vựa hoa màu lớn nhất của Lâm Đồng với hơn 27.000 ha, mỗi năm cung cấp tới 900.000 tấn rau cho các chợ đầu mối và siêu thị khắp cả nước.

Đơn Dương là một trong 4 vùng phụ cận được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”. Nơi đây thích hợp trồng các loại rau củ, hoa xứ lạnh như cà chua, ớt, bắp cải, súp lơ, cải thảo, xà lách...

Đơn Dương là một trong 4 vùng phụ cận được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”. Nơi đây thích hợp trồng các loại rau củ, hoa xứ lạnh như cà chua, ớt, bắp cải, súp lơ, cải thảo, xà lách...

Để cạnh tranh với rau củ Trung Quốc, nông dân huyện Đơn Dương chuyển dần sang trồng rau VietGAP, GlobalGAP cung ứng cho các siêu thị lớn.

Theo ông Trần Thiện Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Thiện Thanh (xã Đạ Ròn, Đơn Dương), việc sản xuất nông nghiệp ổn định nhờ bà con đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của người trồng. Các giống cây trồng tại Đơn Dương chủ yếu có nguồn gốc Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ… Bên cạnh đó, các nông trại phải chuẩn bị đất đạt chuẩn trước khi trồng. Các khâu ươm cây giống, tưới tiêu, bón phân đều được máy móc hỗ trợ để nâng cao hiệu quả. “Ngoài hoàn thiện các bước sản xuất rau theo tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP, HTX Thiện Thanh chủ động đi tìm nhà phân phối uy tín, bảo vệ người nông dân thực sự” - ông Thanh cho hay.

Toàn huyện Đơn Dương hiện có 116 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất an toàn với tổng diện tích 608 ha, 20 cơ sở được cấp nhãn hiệu Rau Đà Lạt với diện tích gần 170 ha và 28 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Riêng tại xã Pró, 100 % hộ dân sản xuất nhỏ lẻ đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài mô hình trồng rau trong nhà kính, Đơn Dương còn phát triển sản xuất theo HTX nhằm hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản. Toàn huyện hiện có 23 HTX, 17 THT và 28 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Các HTX, THT trên địa bàn huyện đều hoạt động, sản xuất ổn định, thu nhập bình quân cho một lao động làm việc đạt 5,8 triệu đồng/người/tháng.

Với hơn 200 vựa thu mua, sơ chế nông sản, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân nay đã ổn định

Với hơn 200 vựa thu mua, sơ chế nông sản, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân nay đã ổn định

Để phục vụ thị trường tết Canh Tý 2020, nhiều doanh nghiệp, HTX, nhà vườn chuyên kinh doanh, sản xuất rau ở huyện Đơn Dương đã chuẩn bị nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng về chủng loại.

Không bao lâu nữa là sản phẩm rau, hoa Đơn Dương sẽ được vận chuyển đi các tỉnh, ra Bắc vào Nam. Càng cận kề tết là nhân công làm vườn ở Đơn Dương bắt đầu khan hiếm do nguồn lao động thường trực là người dân các tỉnh miền Trung chuẩn bị về quê ăn tết, khiến giá thuê tăng đột biến.

Theo các chủ vườn, bình thường giá thuê lao động phổ thông một ngày chỉ 180.000 đồng đến 250.000 đồng. Nhưng bắt đầu từ 15 tháng Chạp thì giá thuê nhân công sẽ tăng cao hơn. Những ngày sát Tết, các công việc như làm cỏ, tỉa nách cho hoa đều ngưng lại và chỉ tập trung cho việc thu hoạch sản phẩm. Các xe hàng chở rau, hoa đi các tỉnh, thành xuất bến không kể ngày đêm nên công việc của nhà nông càng trở nên tất bật, gấp rút, giá nhân công theo đó tăng đột biến lên 800.000 đồng, thậm chí tới một triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ vựa rau ở xã Đạ Ròn cho biết: Dù giá thuê cao, nhưng những ngày này các lao động cũng phải làm từ 15 đến 17 giờ mỗi ngày. Một điều thuận lợi là hầu hết giá các loại rau, hoa Đơn Dương năm nay đều cao hơn năm trước nên giới chủ khá thoải mái, không so đo chi trả nhân công vào thời điểm nóng sốt này.

Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết: Để gìn giữ uy tín của vùng chuyên canh lâu năm, huyện Đơn Dương thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với sản xuất theo hướng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Chương trình chủ trương giảm quy mô cây lương thực, mở rộng diện tích trồng hoa, cây dược liệu, rau màu, khuyến khích áp dụng các giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện khích lệ nông dân áp dụng hệ thống nhà kính, nhà lưới, thủy canh; tưới và châm phân tự động; công nghệ sinh học trong sản xuất... nhằm tăng số lượng hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lên. Huyện còn làm cầu nối giới thiệu các sản phẩm hoa màu, sữa tới các kênh truyền thông và đầu mối xúc tiến thương mại.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202001/chuyen-dong-tren-vung-rau-900000-tan-2981532/