Chuyện đường sá ở Tây Ninh từ sau ngày giải phóng
Chào ông bạn thân mến, kỳ lễ lớn 30.4 -1.5 năm nay được nghỉ lễ liên tục bốn ngày, ông có đi tham quan du lịch ở đâu không?
-Không ông ạ! Tính ra cả năm nay ngoài kỳ nghỉ tết chỉ có đợt lễ này trùng với mấy ngày nghỉ cuối tuần nên được nghỉ hơi lâu, mấy nhỏ nhà tôi kéo nhau về thăm nhà, mình phải ở nhà vui vẻ với con cháu chứ đi đâu sao được. Thôi thì nhân dịp này đưa chúng nó đi thăm thú danh lam thắng cảnh ở quê nhà, mình vừa thư giãn tại chỗ, vừa bồi dưỡng lòng yêu quê hương cho các cháu nhỏ, kể cũng có ý nghĩa lắm chứ ông. Sẵn đây cho tôi hỏi thăm ông vài việc để tôi tiện bề giới thiệu, giải thích cho mấy cháu hiểu thêm nhen!
-Ông có lạ gì chuyện các danh lam thắng cảnh tỉnh nhà mà còn muốn hỏi thăm Bàn Dân…
-Ý tôi là không phải chỉ riêng các danh lam thắng cảnh, mà là mong được ông giới thiệu sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay của tỉnh, có so sánh với thời mới giải phóng ở quê mình đó mà.
-Chuyện đó nếu phải liệt kê và so sánh bằng những con số thống kê chắc chẳng hấp dẫn mấy đâu ông ơi, vì bây giờ trên cả nước mình ở đâu mà không phát triển nhanh chóng đến không ngờ. Bàn Dân nghĩ ông nên kể cho các cháu nghe chuyện đời sống thực tế với những khó khăn, nghèo khổ hồi trước để cho chúng nó so sánh với cuộc sống hiện nay thì chúng tự khắc hiểu ngay thôi chứ gì.
-Vậy ông hãy kể, hãy nhắc lại cho tôi nhớ trước đi đã.
-Chẳng lẽ ông không nhớ ngày mới giải phóng 47 năm trước cơ sở vật chất ở tỉnh mình gần như là con số không hay sao. Đường sá thì chỉ duy nhất quốc lộ 22 là đường nhựa, còn lại thì hầu như tất cả các con đường lớn nhỏ trong tỉnh đều là đường đất, ngoài một số đường chính từ tỉnh đến các huyện được trải đá đỏ hoặc đá xanh lởm chởm. Nhà cửa thì phần lớn là nhà tạm bợ, rất ít nhà xây tường, càng rất ít nhà xây lầu, dù chỉ một, hai tầng…
-Đúng rồi, lúc ấy có thể nói là ngay ở trung tâm thị xã, tức thành phố thuộc tỉnh bây giờ, chỉ có mấy tòa nhà công sở xây từ thời thuộc Pháp, thuộc Mỹ chứ còn nhà dân thì ngoài một số ít nhà xây trệt của các vị quan chức, các ông nhà giàu thì toàn là nhà vách đất, mái tranh, hoặc kha khá hơn chút là nhà vách ván, mái tôn thôi.
-Còn hiện nay thì ông thấy nhà cửa, đường sá sao?
-Hiện nay thì rõ ràng nhà vách đất, mái tranh, nhà tạm bợ thực sự là… “của hiếm” rồi. Đâu đâu cũng là nhà xây, rất nhiều nhà xây theo kiểu biệt thự. Mà không chỉ ở thành phố, thị xã, ai có đi sâu, đi xa đến tận các huyện, xã nông thôn, biên giới đều thấy rất nhiều nhà lớn, nhà đẹp. Đường sá cũng vậy, không chỉ ở trung tâm tỉnh, trung tâm huyện, trung tâm xã mà ở bất kỳ ngõ ngách nào, ở xóm, ấp nào, đường đất cũng đã là “của hiếm”. Hầu hết các con đường đều đã là đường nhựa, kể cả các hẻm nhỏ nhất cũng là hẻm bê tông xi măng. Có vẻ như là tỉnh mình phần hạ tầng giao thông nay đã khá tốt rồi ông hả?
-Vâng, theo Bàn Dân nhận thấy, tuy rằng các trục quốc lộ đi qua tỉnh ta chưa nhiều, còn đường cao tốc thì mới dự kiến sẽ có hai tuyến, nhưng phần đường giao thông do địa phương quản lý thì ở tỉnh ta đã phát triển khá nhiều, thừa sức đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương ở khắp mọi nơi trong tỉnh rất thuận tiện, thông thoáng, kể cả các cầu đường bộ bắc ngang các sông rạch.
-Nói chuyện đường giao thông tôi mới nhớ, gần đây các con đường vừa làm xong, hoặc sắp làm xong ở địa bàn thị xã Hòa Thành rất được người dân địa phương hoan nghênh! Chẳng hạn như là các con đường Trần Phú, tức lộ Bình Dương cũ và Nguyễn Chí Thanh tức Cao Thượng Phẩm cũ vừa mới làm hoặc đang làm sắp xong. Hoặc là các con đường làm từ mấy năm trước như đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Châu Văn Liêm… con đường nào cũng đẹp đẽ, thông thoáng ai đi qua cũng tấm tắc khen đó ông.
-Vâng, không chỉ có các con đường chính ở thị xã Hòa Thành hiện nay, mà cả những con đường lớn ở một số phường của thành phố Tây Ninh, nguyên là các xã của huyện Hòa Thành cũ tách ra cũng thế. Chẳng hạn như các con đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Trọng Cát, Huỳnh Tấn Phát xuất phát từ đường Cách Mạng Tháng Tám chạy về hướng núi Bà Đen… Tất cả đều có chung một đặc điểm là quá trình thi công gần như không vấp phải tình trạng khó khăn chung của việc xây dựng công trình giao thông là chuyện đền bù giải tỏa, ngược lại còn được người dân hai bên đường hết sức hoan nghênh. Ông có thấy và có biết là sao vậy không?
-Đúng, tôi cũng thấy thế và tôi nghĩ rằng, chính việc tiến hành xây dựng giao thông phù hợp quy hoạch đã có từ trước và đúng theo nguyện vọng nhân dân chính là yếu tố thành công của các con đường ở khu vực trung tâm đô thị của tỉnh mình đấy.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-duong-sa-o-tay-ninh-tu-sau-ngay-giai-phong-a144790.html