Chuyện gì đã xảy ra với mật vụ Mỹ trong vụ ông Trump bị ám sát hụt
Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động ở Pennsylvania đánh dấu cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của Cơ quan Mật vụ trong nhiều thập kỷ.
Cơ quan Mật vụ Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với cuộc điều tra sau khi ông Trump bị thương tại sự kiện tranh cử ở thành phố Butler (bang Pennsylvania) hôm 13/7. Một khán giả thiệt mạng và 2 người bị thương nặng trong vụ việc.
Ông Trump được xác nhận vẫn ổn và an toàn sau vụ việc, dù hình ảnh tại hiện trường cho thấy vết máu trên mặt và tai của ông.
"Tôi bị bắn, một viên đạn làm rách phần trên của tai phải. Máu chảy rất nhiều nên tôi đã nhận ra chuyện gì đang xảy ra", ông Trump cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Vài giờ sau vụ nổ súng, chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ James Comer thông báo ủy ban này sẽ mở cuộc điều tra. Đồng thời, ông cho biết đã triệu tập giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đến cuộc điều trần vào ngày 22/7.
James Comer, thuộc đảng Cộng hòa, cho hay các đặc vụ đã thể hiện lòng dũng cảm, nhưng nói thêm: "Có rất nhiều câu hỏi và người Mỹ cần câu trả lời".
Theo New York Times, một số nhân viên Cơ quan Mật vụ đã nhắn tin và gọi điện riêng cho nhau vào hôm 14/7 để hỏi tại sao lãnh đạo cơ quan này - bà Cheatle không xuất hiện nhiều hơn trước công chúng sau vụ ông Trump bị bắn.
Trong khi Cục Điều tra liên bang Mỹ và cảnh sát Pennsylvania họp báo chung vào ngày 13/7, ngay sau khi cựu tổng thống Mỹ bị bắn, không có đại diện của Cơ quan Mật vụ tham dự.
Tại cuộc họp báo, nhà chức trách cho biết họ sẽ điều tra toàn diện để xác định điều gì đã xảy ra sai sót, theo Wall Street Journal.
Thách thức đối với Mật vụ Mỹ
"Chúng tôi không ở vị trí để có thể đưa ra suy đoán về cách thức, lý do hay bất cứ điều gì tại thời điểm này", trung tá George Bivens của cảnh sát bang Pennsylvania cho biết.
"Việc (tổ chức sự kiện) tại địa điểm mở cửa cho công chúng và đảm bảo an toàn trước bất cứ mối đe dọa nào có thể xảy ra, bao gồm cả kẻ tấn công liều mạng, rất khó khăn", ông nhấn mạnh.
Charles Marino, người từng là đặc vụ giám sát trong đội mật vụ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho hay nhân viên mật vụ thường xuyên được huấn luyện cho nhiều tình huống khác nhau, "bao gồm tình huống xấu nhất là vụ ám sát nhằm vào người họ bảo vệ".
Marino nhận định cuộc điều tra tiếp theo của Cục Điều tra liên bang có thể sẽ tập trung xem xét kế hoạch an ninh trong cuộc vận động tranh cử.
Nó “bao gồm xem xét nguồn lực và cách kẻ xả súng có thể tiếp cận vị trí tấn công cao, bên ngoài khu vực sự kiện an ninh mà không bị phát hiện và vô hiệu hóa trước khi nổ súng".
Donald Mihalek, cựu mật vụ cấp cao, gọi vụ ám sát hụt này là vụ ám sát lịch sử, so sánh nó với vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt ở Milwaukee vào năm 1912.
Ông Roosevelt, khi đó đang tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 tại Nhà Trắng, đã bị bắn khi đang trên đường đến sự kiện vận động. Ông sống sót sau vụ ám sát này.
Theo Mihalek, thông thường, Cơ quan Mật vụ có đội tiền trạm đánh giá địa điểm trước sự kiện vận động tranh cử để lập kế hoạch an ninh.
Đặc vụ sẽ đánh giá thực tế khu vực, xác định nhân sự cần thiết và làm việc với xạ thủ phản công để kiểm tra các tòa nhà gần đó. Họ cũng sẽ tính toán khoảng cách từ nơi đó đến vị trí tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống đứng.
Mihalek cho biết các sự kiện ngoài trời như sự kiện ở Butler có thể là thách thức.
"Bạn không thể phong tỏa cả thị trấn", ông nói.
Ông cho biết thêm mùa vận động tranh cử khiến công việc trở nên khó khăn hơn.
Trong khi lịch trình của tổng thống thường được vạch ra rõ ràng, lịch trình của các ứng cử viên có thể thất thường với sự kiện phút chót được thêm vào chiến dịch tranh cử. Điều đó khiến Cơ quan Mật vụ có ít thời gian hơn để lập kế hoạch, Mihalek chia sẻ.
Cuộc khủng hoảng mới
Sự kiện hôm 13/7 có lẽ là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất đối với Cơ quan Mật vụ Mỹ kể từ khi cựu Tổng thống Ronald Reagan bị John Hinckley bắn trong lúc rời khách sạn Washington Hilton vào năm 1981. Ông Reagan đã phải nằm viện 12 ngày sau khi bị bắn vào dưới nách.
Dù vậy, Greg Gitschier, cựu mật vụ, vẫn dành lời khen. “Tôi nghĩ các đặc vụ phản ứng rất tốt, rất nhanh”, Gitschier nói. “Họ bao vây và che chắn cho ông Trump. Họ cố gắng đưa ông ấy vào chiếc xe limousine bọc thép, khi ông ấy giơ nắm đấm lên” và hô “Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu”.
“Hiểu ông ấy nên tôi không chắc liệu họ có giữ được ông ấy ‘ở yên' không. Nhưng rõ ràng, họ sẽ tăng cường an ninh và làm cho việc tiếp cận ông ấy từ khoảng cách xa trở nên khó khăn hơn”, Greg Gitschier cho hay.
Wall Street Journal đánh giá sự chú ý giờ đây sẽ đổ dồn vào Cheatle - giám đốc Cơ quan Mật vụ. Bà nắm quyền lãnh đạo vào năm 2022, sau giai đoạn hỗn loạn khi cơ quan này phải đối mặt với tranh cãi xoay quanh vấn đề xử lý hồ sơ điện thoại trong vụ tấn công Điện Capitol.
Trước đó, lá thư từ Văn phòng Tổng thanh tra Bộ An ninh Nội địa Mỹ (OIG) cho hay các tin nhắn trao đổi giữa nhân viên Mật vụ vào ngày 5-6/1/2021 đã bị xóa sau khi được OIG yêu cầu nộp lên trong quá trình điều tra vụ bạo loạn.
Những tin nhắn này được cho có thể làm sáng tỏ sơ suất an ninh và hành động của ông Trump trong cuộc bạo loạn.
Tuy nhiên, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết dữ liệu điện thoại của một số nhân viên bị mất trong quá trình “thay đổi công nghệ” được lên kế hoạch từ trước, đồng thời phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Bà Cheatle là giám đốc nữ thứ hai của cơ quan này. Khi bổ nhiệm bà, Tổng thống Biden cho hay ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden biết đến bà Cheatle khi bà phục vụ trong đội an ninh của ông nhiệm kỳ phó tổng thống.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng bà ấy”, tổng thống Mỹ nói vào năm 2022.