Chuyện gì đang xảy ra ở New York
Bà Harris vẫn giành chiến thắng với 68% số phiếu bầu của thành phố, nhưng con số đó rõ ràng đã sụt giảm mạnh so với chiến thắng cách biệt 53 điểm của ông Biden vào năm 2020.
Chiến thắng của ông Donald Trump cuối cùng được quyết định bởi các cử tri ở các tiểu bang dao động, nhưng sự chuyển dịch sang đảng Cộng hòa có thể nhận thấy trên khắp cả nước - ngay cả tại thành phố New York, nơi vốn là thành trì bám rễ sâu của đảng Dân chủ.
Mặc dù bà Kamala Harris giành chiến thắng với tỷ lệ cách biệt thuận lợi ở New York, với 68% số phiếu bầu so với 30% của Trump, nhưng rõ ràng vẫn là sự sụt giảm đáng kể so với thành tích của ông Joe Biden tại thành phố này vào năm 2020. Năm đó, ông Biden đã giành chiến thắng với tỷ lệ cách biệt 53 điểm tại New York khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Đáng ngạc nhiên
"Gần như không có nơi nào chứng kiến sự gia tăng lớn trong sự ủng hộ dành cho ông Trump hơn 5 quận (của Thành phố New York)", ông Nate Silver, nhà thăm dò chính trị nổi tiếng, cho hay hôm 8/11. Một trong những quận đó, Staten Island, đã sát cánh với ông Trump ngay từ đầu - tổng thống đắc cử đã giành được khu vực đa số người da trắng này vào năm 2016 và 2020 - nhưng sự thay đổi ở những nơi khác đáng ngạc nhiên hơn. Bronx, nơi có đông đảo người gốc Latinh, đã chứng kiến sự dịch chuyển lớn nhất về phía ông Trump trong tiểu bang: Ông Joe Biden từng giành được 83% số phiếu bầu tại đó vào năm 2020, so với 16% của ông Trump - lần này bà Harris đã giành chiến thắng với 73% so với 27% của ông Trump. Năm 2016, ông Trump chỉ giành được 21,8% số phiếu bầu tại Queens, quận quê nhà của ông, nhưng tuần rồi, 38% cử tri ở đó đã bỏ phiếu cho cựu tổng thống và hiện là tổng thống tương lai.
Trên thực tế, mọi quận trong khu vực đô thị Thành phố New York đều có sự dịch chuyển ủng hộ ông Trump so với bốn năm trước, trang Gothamist cho biết. Đây là sự thay đổi đáng kinh ngạc đối với một thành phố đa văn hóa, có nhiều người theo đảng Dân chủ, xét đến bản chất gây chia rẽ và phân biệt chủng tộc trong chiến dịch tranh cử của Trump.
Nhưng theo Lawrence Levy, cựu chuyên gia chính trị của Newsday và là hiệu trưởng điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Ngoại ô Quốc gia tại Đại học Hofstra, điều này không nên gây ngạc nhiên lớn cho đảng Dân chủ. "Có gì đó đã bắt đầu xảy ra vào năm 2021", Levy cho biết. "Điều này không phải là bất ngờ".
Năm đó, chính trường Thành phố New York bắt đầu chứng kiến một số phản ứng đối với "nỗi đau hậu đại dịch", Levy nhận định, khi một số cử tri từ các nhóm nhân khẩu học bao gồm cộng đồng người da trắng, người Mỹ Latinh và người châu Á chuyển hướng khỏi đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử địa phương.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, Thành phố New York vẫn giữ nguyên các thành viên Dân chủ tại Hạ viện, nhưng một số cử tri ngoại ô ở phía bắc và phía đông của thành phố đã bầu cho đảng Cộng hòa.
Điều này có ý nghĩa gì?
"Câu hỏi đặt ra là: tất cả những điều này có ý nghĩa gì?", vị chuyên gia đặt vấn đề.
"Tôi cho rằng chúng ta đang ở một điểm chuyển đổi khi tiếng vọng của nỗi đau đại dịch cuối cùng cũng lắng xuống, chúng ta sẽ quay trở lại nơi chúng ta từng đứng - đó là Thành phố New York giữ một màu xanh lam và các vùng ngoại ô xung quanh sẽ trở lại màu tím đến xanh lam nhạt.
“Hoặc đó là cơ chế con lắc: ‘đảng Dân chủ đã chạy đua trong 30 năm, và bây giờ con lắc sẽ quay trở lại theo hướng ngược lại”.
Trong khi Thành phố New York luôn nghiêng rõ ràng về phía các tổng thống đảng Dân chủ, hai trong số bốn thị trưởng gần đây nhất của thành phố được bầu lại đến từ đảng Cộng hòa - mặc dù họ không phải là những ứng cử viên Cộng hòa rõ nét nhất.
Mona Kleinberg, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thành phố New York, cho biết vẫn chưa rõ liệu sự chuyển đổi hướng về phía ông Trump là kết quả từ những người đã bỏ phiếu cho ông Biden quay ra bỏ phiếu cho ông Trump hay những cử tri không bỏ phiếu - giống như thực tế bà Harris nhận được ít phiếu bầu hơn ông Biden trên toàn quốc.
Về lý do tại sao bà Harris đạt thành tích kém hơn so với ông Biden, giáo sư Kleinberg cho rằng người dân New York không miễn nhiễm với hai vấn đề chính thúc đẩy mọi người trên khắp cả nước: nền kinh tế và lạm phát.
“Nền kinh tế ở New York rất lớn, vì New York là một thành phố đắt đỏ. Tiền thuê nhà đã tăng rất nhiều sau Covid-19, và sau đó xuất hiện một ứng cử viên hứa hẹn về cơ bản sẽ giảm lạm phát xuống nhiều hơn nữa, hứa sẽ giảm tiền thuê nhà xuống", bà nói.
"Người dân New York không phải ai cũng giàu có, vì vậy họ quan tâm đến những vấn đề đó. Do đó, tôi cho rằng với lạm phát, hoặc nền kinh tế nói chung, ông Donald Trump đã có thông điệp tốt hơn".
Giáo sư Kleinberg đánh giá rằng mặc dù New York là một trong những thành phố đa dạng nhất ở Mỹ nhưng nhập cư cũng đóng một vai trò đáng kể. Thành phố đã tiếp nhận khoảng 200.000 người di cư mới trong hai năm qua, vì các tiểu bang bao gồm Texas tìm cách đưa hàng chục nghìn người di cư không có giấy tờ lên xe buýt đến New York.
Eric Adams, thị trưởng đảng Dân chủ của New York đã xử lý tình hình di cư không tốt, giáo sư Kleinberg nhận định. Vị thị trưởng đã mất sự ủng hộ đáng kể sau khi bị buộc tội nhận hối lộ và đóng góp cho chiến dịch tranh cử của nước ngoài cũng dường như cố gắng lấy lòng ông Trump trong những ngày gần đây. Và điều này có thể khiến cử tri xa lánh đảng Dân chủ hơn nữa.
Kế hoạch cấp thẻ ghi nợ trả trước cho các gia đình nhập cư trước đã trở thành trọng tâm của những người chỉ trích bảo thủ, và có thể gây ra ý niệm rằng đảng Dân chủ không còn thực tế nữa.
Giáo sư Kleinberg phân tích: "Nếu bạn cảm thấy rằng mỗi lần đi mua sắm đồ thiết yếu, bạn sẽ cạn tiền sau đó, và lại biết rằng có những người xin tị nạn trong thành phố của bạn đang nhận được thẻ ghi nợ với một khoản trợ cấp nhất định để sinh sống, điều đó sẽ gây ra sự phẫn nộ. Và nếu người ta không có thông điệp giải thích điều này cho mọi người, thì sẽ chỉ sự tức giận sẽ dâng cao".
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây không chỉ là cuộc trưng cầu dân ý về di sản của ông Biden, hay chính quyền Biden-Harris, mà còn là cuộc trưng cầu dân ý về sự lãnh đạo của đảng Dân chủ tại Thành phố New York".
Các vấn đề quốc gia và địa phương đều đóng vai trò trong sự thay đổi này.
"Rõ ràng là ông Trump vận động tranh cử dựa trên thông điệp chống người nhập cư và tất nhiên, bà Kamala Harris thực sự là hiện thân của một người nhập cư - bà ấy là con gái của một người mẹ Nam Á và một người cha Jamaica", giáo sư Kleinberg cho biết.
“Và một lần nữa cần nhìn vào vấn đề: thực tế là bà ấy là phụ nữ, và là phụ nữ da màu. Có rất nhiều thành kiến vô thức găm vào nhận thức của mọi người về khả năng của bà ấy. Và tôi nghĩ rằng tổng hòa những lý do này giải tích tại sao mọi người nghiêng sang cánh hữu".
Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-new-york-post1510070.html