Chuyện gì đang xảy ra ở tennis Việt Nam?

Như một giọt nước tràn ly, thất bại của đội tuyển tennis Việt Nam tại vòng play-off nhóm 2 Davis Cup đã thổi bùng lên mâu thuẫn giữa những người trong cuộc. Lý Hoàng Nam xin không tham dự SEA Games, còn ông bầu câu lạc bộ (CLB) không giấu khả năng rút lui khỏi tennis.

Chưa đánh đã thua

Khi lá thăm vòng play-off đưa đội tuyển tennis Việt Nam chạm trán Indonesia, ai cũng nghĩ Việt Nam có nhiều cơ hội giành phần thắng. Nhiều người thậm chí còn bỏ qua thực tế là ở kỳ SEA Games 31 vừa qua, Indonesia giành vị trí Á quân tennis đồng đội nam, còn đội tuyển Việt Nam không có huy chương.

Tennis Việt Nam đứng trước nguy cơ không đảm bảo thành tích nếu Lý Hoàng Nam rút khỏi đội tuyển.

Tennis Việt Nam đứng trước nguy cơ không đảm bảo thành tích nếu Lý Hoàng Nam rút khỏi đội tuyển.

Có dàn lực lượng tốt với Lý Hoàng Nam là trụ cột, lại được thi đấu trên sân nhà, nhưng cuối cùng tennis Việt Nam vẫn không thể vượt qua bức tường Indonesia. Ngoài 2 chiến thắng đánh đơn của Lý Hoàng Nam, đội tuyển tennis Việt Nam thua cả 3 trận còn lại, qua đó tiếp tục trở về nhóm 3 Davis Cup thi đấu như những năm trước.

Tại sao đội tuyển Davis Cup Việt Nam không thể thắng? Lần đầu tiên sau nhiều năm, Lý Hoàng Nam mới lên tiếng với tư cách người trong cuộc. Anh ngao ngán nói: "World Cup của tennis mà chúng tôi chỉ nhận được mỗi sự quan tâm của Chủ tịch CLB Hải Đăng và người thân. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thua thiệt mọi thứ ngay tại sân nhà như thế".

Nếu như đội tuyển Indonesia được chuẩn bị chu đáo tận răng thì các thành viên của tuyển Việt Nam phải tự thân vận động. Lý Hoàng Nam xác nhận thông tin anh và các đồng đội không có tình nguyện viên hỗ trợ như đội bạn, phải tự túc mọi thứ từ nơi ở đến chuyện ăn uống, đi lại; thậm chí trả tiền túi mà không được hỗ trợ.

Cùng đến sân tennis tập luyện rồi quay về chỗ ở, nhưng Indonesia có xe đưa đón chu đáo, còn các tay vợt Việt Nam phải đi bộ. Đội tuyển xứ vạn đảo được ở khách sạn chu đáo, còn Lý Hoàng Nam và các đồng đội nhận chế độ lưu trú "nhà nghỉ" 200.000 đồng/ngày. Họ cũng phải mua cơm hộp ở chợ Từ Sơn, vốn không đảm bảo dinh dưỡng cho vận động viên (VĐV).

Thứ duy nhất khiến các thành viên đội tuyển tennis Việt Nam, cũng như cá nhân Lý Hoàng Nam vượt khó là trách nhiệm, nghĩa vụ khi mang trên mình màu cờ quốc gia. Tay vợt số 1 Việt Nam nói anh luôn cảm thấy tự hào mỗi lần lên tuyển, nhưng thời gian tới, Lý Hoàng Nam sẽ phải ưu tiên cho những mục tiêu cá nhân với tennis chuyên nghiệp.

Chỉ ít ngày sau khi vòng play-off Davis Cup khép lại, CLB Hải Đăng đã làm đơn xin cho Lý Hoàng Nam không tập trung lên tuyển dự SEA Games 32. CLB này muốn dồn sức cho Lý Hoàng Nam thi đấu vòng loại Roland Garros và Wimbledon, với mục tiêu tham dự một giải Grand Slam trong thời gian tới.

Doanh nhân muốn nghỉ làm tennis

Trong bài viết "xin không lên tuyển quốc gia dự SEA Games 32" của Lý Hoàng Nam, ông Thái Trường Giang, Chủ tịch Tập đoàn Hải Đăng cũng chia sẻ một thông tin đầy bất ngờ. Người không tiếc tiền xây dựng cơ sở vật chất, biến Tây Ninh trở thành "thủ đô" của tennis Việt Nam, nay không giấu ý định rút lui hoàn toàn sau nhiều năm gắn bó.

"Tôi dự định sẽ làm thêm một vài năm nữa, đợi những cháu đang trong tuyến trẻ CLB tốt nghiệp phổ thông sẽ nghỉ làm tennis", ông Thái Trường Giang cho biết. Doanh nhân này cũng từ chối gần như mọi lời mời phỏng vấn, bởi những lời ông nói ra có thể bị hiểu sai thành thiếu tính xây dựng cho tennis Việt Nam.

Lý Hoàng Nam mỗi năm được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để tập luyện, thi đấu.

Lý Hoàng Nam mỗi năm được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để tập luyện, thi đấu.

Ông Thái Trường Giang định rút lui khỏi tennis dường như không đến từ việc ông cảm thấy chán môn thể thao này. Đó là suy nghĩ được đúc kết của một người muốn bỏ tiền phát triển tennis nhưng không có sự đồng hành, không được tạo điều kiện đúng mực, khiến những tay vợt tài năng ông chăm bẵm bị bỏ rơi trên tuyển quốc gia.

Mặt khác, ông Thái Trường Giang từng lên tiếng nhận định một trong những nguyên nhân khiến tennis Việt Nam chưa thể vươn tầm quốc tế là bởi các địa phương đặt nặng thành tích thi đấu trong nước lên vai các vận động viên. Từ đó, đơn vị chủ quản khiến các tay vợt buộc phải tranh đấu với những mục tiêu "ao làng" mà không thể vươn ra ngoài lãnh thổ, đối đầu những kình địch quốc tế.

Nếu Hải Đăng thực sự rút lui khỏi tennis trong thời gian tới, đó sẽ là lỗ hổng rất lớn trên hành trình phát triển của tennis Việt Nam. Phải mất nhiều năm, tennis Việt Nam mới có một đơn vị sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, lại có ông bầu mê thể thao như Hải Đăng. Không còn CLB đồng hành, có lẽ Việt Nam phải chờ đợi rất lâu mới có một Lý Hoàng Nam thứ hai xuất hiện.

Ai thay Lý Hoàng Nam giành Huy chương vàng SEA Games?

"Rất khó để Việt Nam có một tay vợt như Lý Hoàng Nam trong nhiều năm tới". Đó là nhận định chung của những người làm chuyên môn, khi tay vợt sinh năm 1997 sở hữu bảng thành tích vàng khiến mọi người ngưỡng mộ. Lý Hoàng Nam thi đấu nước ngoài khi ở lứa tuổi teen, thậm chí từng gây tiếng vang trên trường quốc tế khi giành chức vô địch trẻ Wimbledon năm 18 tuổi.

Chiếc cúp Wimbledon, hay 2 tấm Huy chương vàng SEA Games đơn nam thời gian qua của Lý Hoàng Nam khó có thể coi là thành công tiêu biểu của tennis Việt Nam. Bởi trên thực tế, tay vợt người Tây Ninh có trình độ quá chênh lệch so với phần còn lại. Anh không chỉ sở hữu tố chất chơi tennis mà còn có cá tính, khát khao để vượt lên chính mình vào những thời điểm khó khăn nhất.

Đội tuyển tennis Việt Nam phải ăn cơm suất, tự đi bộ và ở nhà nghỉ trong thời gian Davis Cup diễn ra.

Đội tuyển tennis Việt Nam phải ăn cơm suất, tự đi bộ và ở nhà nghỉ trong thời gian Davis Cup diễn ra.

Nhưng Lý Hoàng Nam cũng là người nếm trải nhiều đắng cay với môn thể thao quý tộc hơn bất cứ ai. Tay vợt sinh năm 1997 từng phải nhận án cấm thi đấu hồi mới 17 tuổi. Mọi hành động, lời nói của anh trước truyền thông đều rất cẩn trọng... cho đến khi vòng play-off nhóm 2 Davis Cup 2023 bắt đầu.

Với những cậu bé ở độ tuổi 17, 18, việc bị nhắc tên trên truyền thông quốc gia như một nhân vật phản diện có thể hủy hoại hoàn toàn một tài năng nhưng Lý Hoàng Nam vẫn kiên cường vượt qua sóng gió để chinh phục những mục tiêu mới. Anh cũng từng trải qua quãng thời gian vật lộn với chấn thương, thậm chí văng khỏi top 1.000 ATP trước khi vươn đến top 250 như thời điểm hiện tại.

Việc Lý Hoàng Nam không tham dự SEA Games 32 sẽ là lỗ hổng lớn cho đội tuyển tennis Việt Nam. Bởi không chỉ có Nam, những tay vợt khác, cũng như huấn luyện viên, chuyên gia từ Hải Đăng đã được CLB gửi công văn xin từ chối lên tuyển. Mất họ, tennis Việt Nam sẽ không còn những nhân tố chủ chốt "kéo" huy chương như các kỳ SEA Games trước nữa.

Nhưng mất thành tích, mất HCV SEA Games chỉ là thiệt hại nhỏ. Việc Lý Hoàng Nam không lên tuyển quốc gia giống như một lời cảnh báo với Liên đoàn Tennis Việt Nam (VTF) trong việc tổ chức, quản lý và phát triển môn thể thao quý tộc này. Không giống nhiều môn thể thao khác, tennis thân thuộc với khán giả nên có thể huy động nguồn xã hội hóa, nhưng VTF gần như vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Với nguồn kinh phí hạn hẹp, VTF lẽ ra phải tạo hành lang để những doanh nghiệp như Hải Đăng có cơ hội đóng góp, nhưng họ lại không làm như vậy. Bản thân ông Thái Trường Giang, khi chứng kiến cảnh đội tuyển tennis Việt Nam ăn cơm suất thi đấu, từng bức xúc nói: "Nếu VTF không làm thì hãy đứng ra một bên để chúng tôi và những người khác cùng làm". Cuối cùng, mọi chuyện vẫn quay về xuất phát điểm.

Thưởng không bù nổi chi phí huấn luyện

Chia sẻ với truyền thông, Lý Hoàng Nam cho biết anh được VTF đề nghị chuẩn bị hướng đến SEA Games 32 với "gói chỉ tiêu" trị giá 350 triệu đồng. Số tiền này bao gồm 50 triệu đồng/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng 2, 3, 4 để tập luyện, thi đấu trong và ngoài nước. Nếu Nam bảo vệ thành công HCV SEA Games nội dung đơn nam, anh sẽ nhận thêm 200 triệu đồng nữa.

Con số 350 triệu đồng VTF đưa ra là cao so với tiêu chuẩn của nhiều VĐV khác, nhưng chưa thể bù đắp nổi kinh phí tập luyện cho Lý Hoàng Nam. Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Hải Đăng, mỗi năm họ chi khoảng 5 tỷ đồng cho tay vợt số 1 Việt Nam. Phía Lý Hoàng Nam và CLB chủ quản khẳng định họ không đòi hỏi về mặt tài chính, mà muốn VTF đồng hành, ghi nhận những đóng góp suốt thời gian qua.

"Ở các môn khác, nếu VĐV thi đấu cho đội tuyển quốc gia, tranh tài ở các giải thành tích cao như SEA Games, khoản kinh phí đó được Nhà nước đầu tư. Nhưng ở Việt Nam, Lý Hoàng Nam và Hải Đăng không nhận được sự hỗ trợ đó, mà phải bỏ tiền túi ra chi trả. Tại sao Lý Hoàng Nam không được đầu tư như những VĐV khác", ông Thái Trường Giang bức xúc chia sẻ trước truyền thông.

Về phía Tổng cục Thể dục thể thao, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách thể thao thành tích cao đã lên tiếng. Nói về việc VTF để các VĐV tự lo chi phí ăn ở, đi lại, sau đó mới được thanh toán tạm ứng, ông Phấn cho biết đây là việc làm sai. Những ngày tới, đại diện Tổng cục Thể dục thể thao sẽ làm việc cùng phía Hải Đăng để có phương án giải quyết.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-tennis-viet-nam--i683569/