Chuyện gì xảy ra khi thị phần xe hơi vào tay một vài 'ông lớn'?
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, thị phần của các dòng xe ô tô tại Việt Nam đang tập trung vào 3-4 doanh nghiệp. Mức độ tập trung khá cao, dễ dẫn đến những hành vi phản cạnh tranh trên thị trường này.
Ba “ông lớn” liên tục dẫn đầu thị phần xe cá nhân
Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2017-2019, các vị trí top đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô dưới 9 chỗ trong nước đều bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Trong rất nhiều năm, Toyota luôn là DN dẫn đầu thị trường về thị trường đối với dòng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi.
Cụ thể, năm 2017, Toyota là DN dẫn đầu thị trường với mức thị phần lên tới 31,2%. Theo sau đó là Trường Hải với thị phần đạt 19,21%. Đến năm 2018, với sự vươn lên mạnh mẽ của Hyundai, DN này đã đứng vị trí thứ 2 về thị phần, vượt qua Trường Hải với mức thị phần 20,52%. Đây là năm đánh dấu sự chuyển mình của Hyundai bởi sang đến năm 2019, DN này đã dẫn đầu về thị phần trên thị trường, đạt 29,64%, vượt qua Toyota (23,16% thị phần).
Theo báo cáo này, mức độ tập trung (chiếm phần lớn thị phần) của nhóm DN dẫn đầu thị trường xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay khá cao. Nguyên nhân là do rào cản gia nhập thị trường cao cùng với vốn đầu tư lớn, đã khiến cho không nhiều DN có đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường này. Ngoài ra, nhiều DN hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô đang gặp khó khăn và phải cắt giảm hoạt động sản xuất vì ảnh hưởng của chính sách phí, thuế trong nước và lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN… Chính điều này đã làm cho mức độ tập trung trên thị trường cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cũng cho biết, mặc dù báo cáo trên nghiên cứu thị trường trong giai đoạn 2017-2019 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến thời điểm này. Bởi, theo số liệu thống kê năm 2020, dẫn đầu thị trường dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ vẫn là 3 DN: Hyundai, Toyota và Trường Hải. Thị phần của 3 hãng này vẫn chiếm khoảng 50% toàn thị trường, dù ít hơn so với các năm trước nhưng khoảng cách để hãng xe đứng thứ 4 kịp bám theo cũng khá lớn.
Số liệu thị trường của năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại cũng vẫn ghi danh 3 “ông lớn” Trường Hải, Hyundai, Toyota ở top đầu bán xe ô tô, trong đó Trường Hải vọt lên tạm dẫn đầu với tổng số lượng bán ra cao nhất, gần 89 nghìn xe, còn Hyundai tạm đứng thứ 2.
Doanh nghiệp dẫn đầu chiếm trên 40% thị phần xe tải, xe khách
Trong giai đoạn 2017-2019, các DN có lượng tiêu thụ xe khách chủ yếu trên thị trường là Thaco, Dothanh, Samco,
Tracomeco, Haeco, Daewoo và Vinamotor. Báo cáo trên đánh giá, thị trường sản xuất xe khách đang chuyển dịch sang các DN trong nước. Đây là sự tiến triển tốt trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Các DN tại Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành những nhà sản xuất xe khách chủ lực trên thị trường.
Trong 3 năm này, Thaco liên tục thống lĩnh thị trường với mức thị phần trên 40%, theo sau là Đô Thành với thị phần đạt trên 20%. Bên cạnh đó, Tracomeco và Haeco cũng là những DN nổi bật và có sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường khi trở thành các DN đạt vị trí thứ 4 và 5 về thị phần trên thị trường vào năm 2019.
“Việc không có nhiều DN góp mặt trong phân khúc dòng xe khách và thị phần tập trung chủ yếu một số DN đã khiến cho thị trường có mức độ tập trung khá cao. Có thể thấy thị trường xe khách đã hình thành nên nhóm 3 và 5 DN có vị trí thống lĩnh. Do đó, khả năng xảy ra các vụ việc cạnh tranh là rất lớn và khả năng các DN mới tham gia thị trường là rất thấp”, báo cáo nhận định.
Đối với dòng xe tải, Thaco cũng vẫn là DN dẫn đầu tuyệt đối về thị phần tiêu thụ trong nhiều năm nay với mức chiếm giữ luôn trên 45%. Từ năm 2017-2019, thị trường xe tải còn có sự tham gia của những thương hiệu mới như Huyndai Thành Công, Chiến Thắng, Hoa Mai nhưng Thaco vẫn đứng đầu thị trường với thị phần tăng dần đều, trung bình trên 40%. Tương tự như dòng xe khách, thị trường dòng xe tải hiện cũng đang có mức tập trung rất cao và đã hình thành nhóm các DN có vị trí thống lĩnh.
Đại diện nhóm báo cáo khẳng định, thị trường xe ô tô ở Việt Nam đều có nhóm 3-5 DN dẫn dắt và khó có thể có sự thay đổi do rào cản gia nhập thị trường ô tô cao. Với mức độ tập trung cao như hiện nay, rất dễ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh làm ảnh hưởng tới thị trường. Do đó, yêu cầu đối với cơ quan cạnh tranh cũng cao hơn, đòi hỏi cần có sự giám sát, đánh giá và xem xét kỹ lưỡng đối với các hành vi phản cạnh tranh có khả năng xảy ra trên thị trường này.