Chuyện gì xảy ra với tàu ngầm mất tích khi tham quan xác Titanic

Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân tàu ngầm mất tích, từ việc nó bị vướng vào mảnh vỡ của Titanic, cho đến bị mất nguồn điện hoặc hệ thống liên lạc gặp sự cố.

 Chiếc tàu ngầm Titan đang mất tích thuộc công ty OceanGate. Ảnh: Oceangate.com

Chiếc tàu ngầm Titan đang mất tích thuộc công ty OceanGate. Ảnh: Oceangate.com

Các đội tìm kiếm và cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm một chiếc tàu ngầm du lịch đã mất tích cùng với 5 người trên khoang khi lặn khám phá xác tàu Titanic.

Theo lực lượng tuần duyên Mỹ, tàu Titan đã mất liên lạc sau khi lặn được một giờ 45 phút vào chiều 18/6 (theo giờ địa phương).

Tàu ngầm mất tích cấu tạo thế nào?

Titan là tàu lặn nghiên cứu và khảo sát có thể chở 5 người, thường bao gồm một người lái cùng 4 người khác, có thể là các nhà khảo cổ học, nhà sinh học biển hoặc bất cứ ai đủ khả năng chi trả cho trải nghiệm với tư cách khách du lịch, theo Guardian.

Tàu Titan được thiết kế và chế tạo với lớp vỏ bằng sợi carbon kết hợp titan ở vòm. Con tàu dài 6,7 m, nặng 10.432 kg, tương đương với khoảng 6 ôtô cỡ trung bình và có khả năng lặn ở độ sâu 4.000 m “với biên độ an toàn thoải mái”, theo nhà điều hành OceanGate.

Nó được trang bị 4 động cơ đẩy điện để di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h và có một pin máy ảnh, đèn chiếu sáng và máy quét để khám phá môi trường xung quanh. Các thiết bị điện tử và khoang điều khiển động cơ đẩy nằm bên ngoài vỏ áp suất để tăng diện tích cho thủy thủ đoàn và thiết bị trong khoang.

OceanGate cho biết khung nhìn của tàu Titan “lớn nhất trong số các tàu lặn sâu” và công nghệ của nó cung cấp “tầm nhìn vô song” về đại dương sâu thẳm.

Nó sử dụng công nghệ vệ tinh Starlink của Elon Musk để liên lạc, mặc dù không rõ liệu đó có phải là nguyên nhân gây mất liên lạc hay không.

“Không có bất cứ tháp di động nào giữa đại dương, chúng tôi dựa vào Starlink để cung cấp thông tin liên lạc mà chúng tôi cần trong suốt chuyến thám hiểm Titanic năm 2023”, OceanGate viết trên Twitter vào tuần trước.

Theo David Concannon, cố vấn của OceanGate, tàu Titan có nguồn cung cấp oxy đủ dùng trong 96 giờ, tính đến khoảng 6 giờ sáng 18/6 (theo giờ địa phương). Về mặt lý thuyết, điều này đồng nghĩa lượng oxy có thể dùng đến sáng 22/6.

Tuy nhiên, giới hạn đó có thể bị ảnh hưởng bởi nhịp thở của những người bên trong tàu, đặc biệt nếu có khách du lịch trên tàu với kinh nghiệm lặn hạn chế.

Chuyện gì đã xảy ra?

Vẫn còn quá sớm để nói điều gì đã diễn ra, nhưng các chuyên gia đưa ra một số tình huống có thể xảy ra nhất, từ việc mắc kẹt trong đống đổ nát của Titanic cho đến mất nguồn điện, hoặc hệ thống liên lạc của tàu ngầm gặp sự cố.

Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy đại dương, được bao quanh bởi các mảnh vỡ từ thảm họa cách đây hơn một thế kỷ.

“Những mảnh vỡ của nó ở khắp mọi nơi. Thật nguy hiểm”, Frank Owen OAM, quan chức Hải quân Hoàng gia Australia đã nghỉ hưu và là giám đốc dự án cứu hộ, thoát hiểm tàu ngầm cho biết.

Ông Owen cho biết liên lạc đã bị mất sau 1 giờ 45 phút Titan bắt đầu hành trình. Điều đó cho thấy tàu có thể đã ở gần hoặc dưới đáy đại dương. Tàu Titan có tốc độ tối đa 5,556 km/h, nhưng càng đi sâu thì càng chậm.

Titan được trang bị các khối nặng, giúp tàu lặn xuống dễ dàng hơn. Trong trường hợp bị vướng vào mảnh vỡ tàu Titanic, mất nguồn điện hay hệ thống liên lạc gặp sự cố, Titan có thể thả các khối nặng này để có đủ sức nổi lên mặt nước.

Ngoài ra, Titan còn có một loạt thiết bị, ánh sáng, gương phản xạ mà nó có thể sử dụng một lần trên bề mặt để thu hút sự chú ý, cầu cứu.

Alistair Greig, giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học College London, cho biết một kịch bản khác có thể xảy ra là thân tàu bị hư hại, khiến nước tràn vào trong khoang.

"Nếu Titan đã chìm xuống đáy biển và không thể tự nổi lên, các lựa chọn có thể thực hiện rất hạn chế", ông nói. "Mặc dù tàu lặn có thể vẫn còn nguyên vẹn, nếu nó nằm ngoài thềm lục địa, rất ít phương tiện có thể xuống được độ sâu như vậy và chắc chắn thợ lặn là bất khả thi".

Chris Parry, chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu của hải quân Anh, nói với Sky News rằng cuộc giải cứu dưới đáy biển là "hoạt động rất khó khăn".

“Bản thân Titanic nằm trong một chiến hào. Có rất nhiều mảnh vỡ xung quanh. Vì vậy, việc cố gắng phân biệt bằng sonar (phương tiện định vị thủy âm) nói riêng và cố gắng xác định khu vực mục tiêu muốn tìm kiếm bằng tàu lặn khác thực sự rất khó khăn”.

Chiến dịch cứu hộ diễn ra thế nào?

Chuẩn đô đốc John Mauger cho biết các tàu, máy bay của Mỹ và Canada đã xuất hiện xung quanh khu vực cách Cape Cod khoảng 1.450 km về phía đông. Một số đã thả phao sonar có thể theo dõi ở độ sâu gần 4.000 m, theo lực lượng tuần duyên Mỹ.

Nhưng cuộc tìm kiếm rất “phức tạp” vì họ không biết liệu con tàu đã nổi lên hay chưa, đồng nghĩa họ phải tìm kiếm cả trên bề mặt và dưới đại dương.

Concannon cho biết các quan chức đang làm việc để đưa một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) có thể đạt độ sâu 6.000 m đến khu vực tìm kiếm càng sớm càng tốt.

Các ROV này được thả xuống mạn tàu, có cáp kết nối, cho phép người điều khiển chủ động điều hướng và tiếp nhận dữ liệu theo thời gian thực từ hệ thống sonar và camera của nó.

Tuy nhiên, số lượng mảnh vỡ của tàu Titanic dưới đáy đại dương có thể khiến việc phân biệt giữa đống đổ nát này và tàu Titan tốn thời gian.

Không lâu sau khi tàu ngầm mất tích, tỷ phú người Anh Hamish Harding, chủ tịch của Action Aviation, được thông báo nằm trong số những người có mặt trên tàu.

“Vẫn còn thời gian để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ giải cứu. Có thiết bị trên tàu để tồn tại trong trường hợp này”, giám đốc điều hành của Action Aviation, Mark Butler, nói với AP. “Tất cả đều hy vọng và cầu nguyện ông ấy trở về bình an vô sự”.

Tàu ngầm thám hiểm xác tàu Titanic mất tích Quân đội Mỹ và Canada đang chạy đua với thời gian để tìm ra chiếc tàu ngầm mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic ở đáy Đại Tây Dương.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chuyen-gi-xay-ra-voi-tau-ngam-mat-tich-khi-tham-quan-xac-titanic-post1441530.html