Chuyên gia ADB Nguyễn Minh Cường: Việt Nam đủ năng lực vượt khủng hoảng 'chưa có tiền lệ'

'Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp ứng phó với khủng hoảng từ Covid-19 một cách hiệu quả'- chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường nhận định.

 Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường

Ông đánh giá thế nào về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là từ giai đoạn Đổi mới cho đến nay?

- Nhìn chung, ADB đánh giá Việt Nam có bốn thành tựu nổi bật: Thứ nhất, Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng nhanh, đều, ổn định và toàn diện kể từ năm 1986 đến nay, một điều mà tôi cho rằng không hề dễ dàng trước những biến động chung của kinh tế thế giới thời gian qua. Đáng chú ý là động lực tăng trưởng của Việt Nam khá đồng đều và đa dạng mà không quá nghiêng về một động lực cụ thể nào. Tăng trưởng của Việt Nam cũng rất bao trùm và gần như tất cả mọi tầng lớp người dân đều được hưởng lợi trong tăng trưởng.

Thứ hai, thành công của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo, đây là thành tựu rất nổi bật được công nhận bởi nhiều nước và các tổ chức quốc tế như ADB, World Bank hay UNDP. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình cực kỳ thấp, tức khoảng dưới 100 USD/người, đã tăng vọt lên khoảng 2.700 USD vào năm 2019. Điều này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ 60% vào những năm 90 xuống còn khoảng 6% trong năm 2019. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn các Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo vào năm 2005, về đích trước 10 năm so với thời hạn.

Thứ ba là việc chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Trong quá trình này, một loạt các lĩnh vực của Việt Nam đều đã tham gia vào cơ chế thị trường một cách tích cực, mà nổi bật là nông nghiệp với thành công tạo động lực cho quá trình giải phóng đất đai. Một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là quá trình cải cách DN. Chỉ bốn năm sau Đổi mới, tức năm 1990, Luật Công ty và Luật DN ra đời và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.

Điểm cuối cùng, đó là thành tựu về hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình này đã diễn ra rất chắc chắn theo lộ trình cụ thể từ trước, được cụ thể hóa thông qua việc gia nhập ASEAN vào năm 1995, APEC vào năm 1998, rồi sau đó là WTO vào năm 2007, hay gần đây nhất là việc ký kết các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP và EVFTA. Những bước hội nhập này thể hiện chiến lược nhất quán, chắc chắn và không vội vàng, giúp Việt Nam hạn chế các hệ quả tiêu cực như những nước khác.

Theo ông, Việt Nam cần chú trọng vào những điểm gì để duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững?

- Ba thập kỷ trước, Việt Nam đã tăng trưởng chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, cùng với đó là hàm lượng chất xám và khoa học kỹ thuật thấp, dẫn đến động lực cho phát triển là năng suất lao động (NSLĐ) giậm chân tại chỗ, dù cho đầu tư vào nền kinh tế có tăng lên.

Hiện Việt Nam đã làm được một bước nhằm cải thiện NSLĐ, đó là đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, với sự đóng góp của ngành nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, xuất khẩu, hay khối đầu tư nước ngoài (FDI).

Với bước tiếp theo, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực tăng trưởng, khi hiện nay chúng ta vẫn còn chủ yếu dựa vào FDI, trong khi chưa phát huy được tiềm năng của khu vực tư nhân hay tiêu dùng trong nước.

 Sản xuất phụ kiện điện tại Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Sản xuất phụ kiện điện tại Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Thanh Hải

Về cơ sở hạ tầng (CSHT), Việt Nam không nên chỉ chú trọng đến các CSHT lớn, mà còn cần phát triển ở cả nông thôn. Ngoài ra, một điểm yếu của Việt Nam là chưa kết nối hiệu quả giữa các phương thức giao thông khác nhau. Hiện nay, nhiều khi chi phí vận chuyển hàng hóa từ ga đến đường cao tốc còn cao hơn quãng đường vận chuyển từ Bắc tới Nam.

Vấn đề cuối cùng nhưng lại mang tính quyết định đó là thể chế. Một ví dụ dễ hiểu đó là một con đường rất xấu nhưng hàng hóa sẽ vẫn lưu thông nếu có cơ chế thuận tiện, dù cho nó có thể chậm hay đắt hơn. Ngược lại, một con đường đẹp nhưng sẽ không có xe đi qua nếu cơ chế không hiệu quả. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của cải thiện thể chế, trong đó liên quan đến môi trường kinh doanh, hay chất lượng hệ thống luật và quá trình thực thi.

Ông có đánh giá gì về nỗ lực hiện nay của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế?

- Đến thời điểm này, Việt Nam hiện là một trong những nước phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy kinh tế là thách thức rất lớn. Hầu hết các nước sau khi thành công khống chế dịch và vừa mở cửa trở lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Việt Nam, thì làn sóng dịch thứ hai đã ập đến.

Dẫu vậy, Việt Nam cũng đã phản ứng rất nhanh thông qua các gói an sinh xã hội, các chính sách cắt giảm, miễn thuế và phí… Nhưng cũng như các nước, Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, mà điểm mấu chốt là bởi quy mô lớn của dịch và tính bất ngờ mà không ai có thể trở tay kịp trước một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.

Tôi tin tưởng kinh nghiệm của Việt Nam trong quá khứ ứng phó với khủng hoảng, như năm 1986 nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường, hay quyết định gia nhập ASEAN… cho thấy Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp cải thiện cơ chế kinh tế ứng phó với khủng hoảng từ Covid-19 một cách hiệu quả trong vài tháng tới.

Thủ tướng đã nhiều lần nhắc đến việc phải mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của biện pháp này, và đề xuất gì đối với các gói hỗ trợ kinh tế tới đây của Chính phủ?

Chính sách tài khóa của Việt Nam rất tương đồng với các nước về mặt mục tiêu, bao gồm hỗ trợ người lao động, cộng đồng DN và khôi phục tăng trưởng. Ngoài ra, điểm tương đồng nữa là Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ rất nhanh vào tầm tháng 3, 4/2020. Điểm khác ở đây là quy mô các gói tài khóa, vốn phụ thuộc vào mức độ nền kinh tế, như của Singapore là 20% GDP, Thái Lan 10%, Indonesia 7%, Việt Nam và Philippines vào khoảng 4%. Nhưng nếu cộng thêm 700 nghìn tỷ của đầu tư công, tương đương 10% GDP, thì quy mô 14% GDP của Việt Nam không hề nhỏ.

Về kinh nghiệm các nước khi đại dịch xảy ra, do đây là cuộc khủng hoảng kép chưa từng xảy ra trong quá khứ và hậu quả khó có thể đo lường. Do vậy họ không quá cân nhắc về nợ công hay thâm hụt tài khóa, bởi càng vào thời điểm này càng cần đẩy mạnh chi tiêu, hay nói cách khác là chính sách tài khóa nghịch (tăng chi tiêu khi gặp khủng hoảng). Đây có lẽ cũng là kinh nghiệm Việt Nam nên cân nhắc khi xử lý về trần nợ công hay thâm hụt tài khóa, trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kép quy mô toàn cầu như hiện nay.

Dù hiện nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam không phải thấp, nhưng nhìn trong toàn cảnh kinh tế vĩ mô, Việt Nam vẫn là nước có môi trường ổn định. Đó là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước có mức nợ công thấp hơn như Phillipines hay Indonesia.

Bên cạnh đảm bảo cân đối vĩ mô, Việt Nam cũng cần nhìn vào bức tranh tổng thể, đó là triển vọng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Bởi đây sẽ là yếu tố giúp Việt Nam giải quyết vấn đề nợ công hay thâm hụt ngân sách. Đến thời điểm nền kinh tế thế giới đi vào quỹ đạo phục hồi, nhưng nếu các DN Việt Nam đã phá sản và người lao động thất nghiệp tràn lan, thì chúng ta sẽ rất khó khôi phục động lực tăng trưởng.

Để có cái nhìn rộng hơn trong phục hồi kinh tế Việt Nam, có lẽ cần có một ủy ban quốc gia về ứng phó khủng hoảng và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Bởi rõ ràng, vấn đề phục hồi kinh tế sẽ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Với góc độ một ủy ban chuyên trách, họ sẽ nhìn nhận mọi thứ một cách tổng thể, không chỉ từ góc độ tài khóa, tiền tệ mà còn cả cải tổ cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế, an sinh xã hội.

Xin cảm ơn ông!

"Đến thời điểm này, Việt Nam hiện là một trong những nước phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải thừa nhận việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy kinh tế là thách thức rất lớn. Mặc dù vậy tôi tin tưởng kinh nghiệm của Việt Nam trong quá khứ ứng phó với khủng hoảng, như năm 1986 nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường, hay quyết định gia nhập ASEAN… cho thấy Việt Nam có đủ năng lực và sức sáng tạo để đưa ra giải pháp cải thiện cơ chế kinh tế ứng phó với khủng hoảng từ Covid-19 một cách hiệu quả trong vài tháng tới. " - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường

Ngọc Lâm (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-adb-nguyen-minh-cuong-viet-nam-du-nang-luc-vuot-khung-hoang-chua-co-tien-le-394918.html