Chuyên gia AI của Google lương cao giao đồ ăn bằng xe đạp khi rảnh rỗi để làm từ thiện

Yann AitBachir (43 tuổi, quốc tịch Pháp, thường trú nhân Singapore) đang có công việc toàn thời gian là chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) tại Google nhưng vẫn dành thời gian rảnh rỗi để giao đồ ăn bằng xe đạp làm từ thiện.

"Công việc làm thêm" của Yann AitBachir bắt đầu từ tháng 2.2024, xuất phát từ mong muốn được hoạt động nhiều hơn ngoài công việc chính ở Google, thường khiến anh ngồi một chỗ.

Từ quyết định muốn kết hợp hoạt động này với “làm điều tốt”, Yann AitBachir quyên góp toàn bộ thu nhập từ việc giao hàng cho các tổ chức từ thiện khác nhau.

Từ tháng 2 đến tháng 12.2024, Yann AitBachir đã quyên góp được khoảng 7.000 đô la Singapore trong mục tiêu 10.000 đô la Singapore mà anh đặt ra ban đầu. Yann AitBachir đã bù đắp khoản thiếu hụt bằng tiền tiết kiệm cá nhân, và thậm chí còn nhiều hơn nữa, nhưng từ chối tiết lộ số tiền anh quyên góp cho các tổ chức từ thiện vào năm ngoái.

Năm 2025, chuyên gia AI của Google hy vọng sẽ quyên góp được 10.000 đô la Singapore hoàn toàn từ việc giao hàng.

Dù từ chối tiết lộ mức lương của mình, Yann AitBachir nói rằng là "nhân viên công nghệ có thu nhập cao" và điều này cùng xuất thân là người nước ngoài khiến anh lo mình sẽ trở nên "tách biệt" với cộng đồng địa phương ở đây.

“Dù tôi may mắn vì có công việc tốt và thu nhập cao, việc giao hàng với Grab giúp tôi giữ được sự khiêm tốn và thực tế”, Yann AitBachir (sống ở Singapore từ năm 2009) cho biết.

Thông qua công việc bán thời gian của mình, Yann AitBachir coi trọng việc có thể thúc đẩy sự tương tác với cộng đồng xung quanh, gồm người dân địa phương và người già sống ở vùng trung tâm, cũng như những người giao đồ ăn khác.

“Khi giao hàng, tôi trở thành một nhân viên tuyến đầu (theo một cách nào đó) và thực sự kết nối với một phần của Singapore mà tôi có thể không liên quan trong đời sống tự nhiên của mình”, Yann AitBachir nói.

Chuyên gia AI tại Google cho biết việc giao hàng trở thành “cách bắt chuyện hiệu quả” cho mọi tương tác xã hội của mình, đồng thời nói thêm rằng anh cũng nhận được sự khích lệ từ khách hàng.

Dù một số người bạn ban đầu chế giễu công việc phụ của Yann AitBachir, nhưng họ đã ủng hộ sau khi biết được động lực của anh khi làm như vậy.

“Khi bạn bè và đồng nghiệp phát hiện tôi giao hàng vào cuối tuần, họ bắt đầu bằng cách nói đùa, hỏi rằng liệu tôi có kiếm đủ tiền với công việc thường ngày của mình không. Song khi giải thích lý do tại sao tôi làm như vậy, tôi nhận được rất nhiều sự động viên”, Yann AitBachir kể.

Nhận thấy vai trò của tài xế giao hàng có thể khó khăn và khắc nghiệt như thế nào, Yann AitBachir cho biết công việc này giúp anh “kết nối lại với giá trị của tiền bạc”.

“Bạn nhận ra lượng công sức cần bỏ ra để kiếm được 20, 25 đô la Singapore. Có mức lương rất cao, bạn có thể không nhận ra rằng mình tiêu tiền rất nhanh khi đi chơi – vài trăm đô la ở nhà hàng, đồ uống hoặc đi taxi (vào cuối tuần)”, Yann AitBachir thổ lộ.

Yann AitBachir dành những ngày cuối tuần để giao hàng GrabFood bằng xe đạp và quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện - Ảnh: CNA

Yann AitBachir dành những ngày cuối tuần để giao hàng GrabFood bằng xe đạp và quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện - Ảnh: CNA

Trung bình, Yann AitBachir dành khoảng 10 tiếng trong suốt cuối tuần để thực hiện những chuyến giao hàng, thậm chí làm việc vào các buổi tối trong tuần nếu công việc và cuộc sống gia đình cho phép.

Yann AitBachir thường quyên góp từ 700 đến 1.000 đô la Singapore mỗi tháng. Số tiền này anh sẽ luân phiên quyên góp cho các tổ chức từ thiện tập trung vào bảo tồn môi trường và chống đói nghèo.

Khi giao hàng, Yann AitBachir cũng để lại ghi chú trong ứng dụng Grab của mình nêu rõ rằng anh đang làm việc vì mục đích từ thiện.

Nếu khách hàng cho tiền boa, Yann AitBachir sẽ quyên góp toàn bộ số tiền đó.

Tương tác đáng nhớ

Khi được hỏi về một số tương tác đáng nhớ nhất trong công việc này, Yann AitBachir kể lại một lần anh giao bánh sinh nhật tại căn hộ HDB ở khu dân cư Bedok.

Căn hộ HDB (Housing and Development Board) là loại hình nhà ở công cộng phổ biến nhất tại Singapore, do Cục Phát triển Nhà ở (HDB) của chính phủ xây dựng và quản lý. Căn hộ HDB được xây dựng để cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho người dân Singapore, đặc biệt là các gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Đơn đặt hàng bánh do con gái của chủ nhà 81 tuổi đặt, lúc cô đang đi công tác nước ngoài.

Trong đơn đặt hàng, cô đã hỏi liệu người giao hàng có thể chúc mừng sinh nhật lần thứ 81 cha cô không.

Người đàn ông lớn tuổi, sống một mình trong căn hộ, đã mời Yann AitBachir vào nhà và mời anh một miếng bánh.

"Tôi đã dành 10 phút với ông ấy khi ông chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống của mình", Yann AitBachir nhớ lại.

Yann AitBachir cũng phải học cách đối phó với những khách hàng không hài lòng, bị lạc trong quá trình giao hàng và thích ứng với thời tiết khó lường.

Bất chấp tất cả những điều này, Yann AitBachir cho biết ông thực sự thích kết nối với những tài xế giao hàng khác, dù hầu hết cuộc trò chuyện với họ đều ngắn ngủi và thoáng qua.

Yann AitBachir cho biết hầu hết tài xế giao hàng tỏ ra ngạc nhiên khi biết anh làm công việc này.

Anh kể: "Họ thường hỏi tại sao tôi, một người da trắng, lại làm công việc này".

Ngoài ra, Yann AitBachir còn tham gia vào trò tiêu khiển được người Singapore ưa thích: Than phiền.

"Chúng tôi thường phàn nàn về thời tiết khắc nghiệt - quá nóng hoặc quá nhiều mưa", anh nói đùa.

Các tài xế cũng chia sẻ mẹo đi đường tắt trong một số khu dân cư, chẳng hạn sử dụng lối sau hoặc lối đi bộ để giao hàng nhanh hơn.

“Ba giờ đi theo Yann AitBachir trên xe đạp khiến tôi thở hổn hển và tự hỏi tại sao anh lại hy sinh thời gian rảnh rỗi để làm việc này. Gia đình Yann AitBachir nghĩ gì về công việc phụ của anh”, Deborah Lau, phóng viên trang CAN, chia sẻ.

Yann AitBachir nói việc giao hàng làm từ thiện mang lại cho anh một mục đích sống - Ảnh: CNA

Yann AitBachir nói việc giao hàng làm từ thiện mang lại cho anh một mục đích sống - Ảnh: CNA

Nhắc đến những đứa con 13 tuổi và 10 tuổi của mình, Yann AitBachir cười nói: "Đôi khi chúng vui vì tôi làm công việc này, để tôi bớt quản chặt việc học của chúng".

Yann AitBachir nói rằng vợ anh cũng hiểu về thời gian chồng dành cho việc giao hàng, vì cô điều hành doanh nghiệp riêng và không làm việc theo giờ hành chính.

Ngoài ra, Yann AitBachir cho biết việc nhận thêm công việc này khiến anh trân trọng hơn khoảng thời gian dành cho vợ và con cái.

“Chúng tôi biết rằng không dành nhiều thời gian bên nhau, vì vậy cần tập trung vào việc có thời gian chất lượng bên gia đình”, anh nói.

Về chuyện mất đi thời gian rảnh rỗi cá nhân, Yann AitBachir nói việc giao hàng đã trở thành "thời gian cho riêng mình" khi ông có thể tập thể dục, nghe podcast và nhạc lúc đạp xe.

Nhìn lại gần một năm kể từ khi bắt đầu làm công việc giao hàng này, Yann AitBachir cho biết đã quyên góp được hơn 7.000 đô la Singapore trong năm 2024. Yann AitBachir biết ơn vì có thể quyên góp nhiều hơn so với số tiền 2.000 đến 3.000 đô la Singapore mà anh trích ra từ thu nhập hàng năm của mình.

"Tôi thường xuyên quyên góp cho các tổ chức từ thiện khác nhau và làm tình nguyện viên ở Singapore. Khi tôi quyết định giao đồ ăn, điều đó cho phép tôi quyên góp nhiều hơn nữa, đồng thời mang lại cho tôi một mục đích sống. Giao hàng với Grab đã cho tôi cái nhìn thoáng qua về sự đa dạng của xã hội Singapore, từ những người sống trong các bất động sản sang trọng đến những cặp vợ chồng lớn tuổi tại các căn hộ HDB.

Mỗi tương tác, dù ngắn ngủi đến đâu, đều mở ra những cơ hội và góc nhìn mới. Gặp gỡ nhiều người giúp tôi mở rộng tầm nhìn và trưởng thành hơn với tư cách là một con người”, chuyên gia AI của Google thổ lộ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-gia-ai-cua-google-luong-cao-giao-do-an-bang-xe-dap-khi-ranh-roi-de-lam-tu-thien-227925.html