Đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư

Kết quả Điều tra dân số giữa kỳ 2024 cho thấy, quy mô và tỷ lệ người di cư tiếp tục xu hướng giảm và giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Cụ thể, đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư, chiếm tỷ lệ 4,3% trên tổng dân số.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp Sở Y tế khám sức khỏe miễn phí cho công nhân, lao động. (Ảnh minh họa NGỌC ANH)

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp Sở Y tế khám sức khỏe miễn phí cho công nhân, lao động. (Ảnh minh họa NGỌC ANH)

Tỷ lệ người di cư giảm thấp nhất từ năm 1999 đến nay

Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (sau đây gọi tắt là Điều tra dân số giữa kỳ 2024) do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tổng số 93,5 triệu người từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 4 triệu người tương ứng với 4,3%. Trong đó, số người di cư trong huyện là 1,6 triệu người, tương ứng với tỷ lệ 1,7%, số người di cư giữa các huyện trong cùng tỉnh là 0,7 triệu người, tương ứng 0,8%, số người di cư giữa các tỉnh là 1,6 triệu người, tương ứng 1,8%.

Đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư (chiếm 4,3% trên tổng dân số).

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, kể từ năm 2019 đến nay, mặc dù tốc độ tăng dân số của Việt Nam giảm do mức sinh giảm nhưng quy mô dân số vẫn duy trì trạng thái ổn định, bình quân mỗi năm tăng khoảng gần 1 triệu người. Dân số Việt Nam đã đạt hơn 101 triệu người ở thời điểm 1/4/2024. Và sau 5 năm, kể từ năm 2019, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người.

Trong bối cảnh dân số liên tục tăng, nhưng quy mô và tỷ lệ người di cư tiếp tục xu hướng giảm và giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay.

Cụ thể là, năm 1999, cả nước có 4,5 triệu người di cư trên tổng số 69 triệu dân số từ 5 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 6,5% trên tổng dân số); sau đó tăng lên cao nhất đến 6,7 triệu người vào năm 2009 (chiếm tỷ lệ 8,5%) và giảm dần vào các năm tiếp theo. Đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4 triệu người di cư (chiếm 4,3%).

Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất với người di cư

Kết quả Điều tra dân số giữa kỳ 2024 cũng cho thấy, Vùng Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư. Với phạm vi gồm 6 tỉnh, thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu), đây cũng là vùng kinh tế có quy mô lớn nhất nước, có thế mạnh kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học-công nghệ.

Trong 5 năm trước thời điểm điều tra, có 615 nghìn người nhập cư đến vùng này, chiếm hơn một nửa tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước. Phần lớn người nhập cư đến vùng Đông Nam Bộ là từ Đồng bằng sông Cửu Long (353,1 nghìn người, chiếm 57,4%).

Trong khi đó, phần lớn người nhập cư đến Đồng bằng sông Hồng là những người đến từ vùng trung du và miền núi phía bắc (139,8 nghìn người, chiếm 62,4%).

Toàn quốc có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (77,6‰). Tiếp theo là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 61,8‰, 55,1‰, 30,9‰ và 25,8‰.

Độ tuổi phổ biến của người di cư từ 20-39 tuổi, chiếm 60,1% tổng số người di cư. Tỷ trọng người có độ tuổi này của người di cư gấp 1,5 lần của người không di cư (60,1% so với 38,2%). Tuổi trung vị của người di cư là 28 tuổi, tức một nửa dân số di cư có độ tuổi dưới 28 trong khi tuổi trung vị của người không di cư là 36 tuổi, cao hơn 8 tuổi.

Điều tra dân số giữa kỳ 2024 cũng ghi nhận hiện tượng “nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước. Trong tổng dân số di cư, nữ giới chiếm 55,7%, cao hơn so với mức 50,2% của dân số nữ không di cư.

Phần lớn người di cư quyết định chuyển tới nơi ở mới vì lý do tìm việc/bắt đầu công việc mới (39,9%), hoặc theo gia đình/chuyển nhà (30,5%).

Điều tra dân số giữa kỳ 2024 cũng ghi nhận hiện tượng “nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước. Trong tổng dân số di cư, nữ giới chiếm 55,7%, cao hơn so với mức 50,2% của dân số nữ không di cư.

Riêng về lĩnh vực lao động-việc làm với lao động di cư, theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2025, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Trong đó, chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/den-nam-2024-ca-nuoc-chi-con-4-trieu-nguoi-di-cu-post854784.html