Chuyên gia Anh đánh giá về vắc xin Việt Nam sắp tiêm

Sau thời gian tiêm thực tế, vắc xin AstraZeneca đã bộc lộ rõ hiệu quả, tác dụng phụ, khả năng chống biến thể…

Bà Sarah Pitt là thành viên của Viện Khoa học Y sinh, Đại học Brighton (Anh). Chuyên gia này vừa có bài viết nhận định chi tiết về vắc xin AstraZeneca sau một thời gian được sử dụng trong tiêm chủng ở Anh.

Vắc xin AstraZeneca có tác dụng như các loại khác?

Các thử nghiệm cho thấy vắc xin này có tác dụng thấp hơn một chút so với các loại khác. Ví dụ, Pfizer ngăn ngừa 95% bệnh có triệu chứng trong khi AstraZeneca là 70%.

Nhưng theo dữ liệu thực tế gần đây từ Vương quốc Anh, vắc xin AstraZeneca có thể tốt hơn một chút so với Pfizer trong việc ngăn ngừa bệnh nguy kịch và nhập viện.

Tuy nhiên, vắc xin Pfizer được tung ra đầu tiên, vì vậy có thể đã được tiêm cho những người dễ bị bệnh hơn.

Ngoài ra, những nghiên cứu này chưa được các nhà khoa học khác kiểm tra.

Vì vậy, vắc xin AstraZeneca hiệu quả hay kém hơn những loại khác trong việc ngăn ngừa Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. Điều quan trọng là tất cả các loại vắc xin được cấp phép đều an toàn và có khả năng chống lại Covid-19. Nếu được cung cấp bất kỳ loại vắc xin nào, bạn nên tiêm.

Có hiệu quả với người lớn tuổi không?

Giai đoạn đầu của thử nghiệm cho thấy rõ ràng vắc xin AstraZeneca bảo vệ những người lớn tuổi. Vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những người tham gia lớn tuổi hơn người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, chúng ta không biết phản ứng miễn dịch chống lại virus ở mức độ nào. Trong giai đoạn cuối của thử nghiệm, không có đủ người trên 55 tuổi để đưa ra ước tính đáng tin cậy về khả năng bảo vệ cho nhóm này.

Do đó, vẫn chưa chắc chắn về mức độ bảo vệ của vắc xin ở người lớn tuổi. Nhưng theo một thông báo gần đây, AstraZeneca hoạt động rất tốt. Mũi tiêm vắc xin AstraZeneca đầu tiên làm giảm 80% khả năng nhập viện vì Covid-19.

Có chống lại các biến thể mới không?

Điều này phụ thuộc vào các biến thể. Một nghiên cứu trước đây ghi nhận vắc xin AstraZeneca có hiệu quả chống lại B117 (Anh), cũng như các chủng nCoV trước đó.

Nhưng với biến thể đang lưu hành ở Nam Phi, B1351, vắc xin này có thể kém hơn nhiều trong việc ngăn ngừa bệnh từ nhẹ đến trung bình so với các dạng virus trước đó.

Các nhà khoa học cho rằng, B1351 có đột biến E484K khiến các kháng thể hiện có đối với SARS-CoV-2 ít tác dụng hơn.

Sarah Gilbert, trưởng nhóm nghiên cứu Chương trình Phát triển vắc xin Oxford, tin rằng vắc xin AstraZeneca vẫn sẽ bảo vệ bệnh nhân trở nặng khi họ đối mặt với những biến thể này.

Các biến thể lưu hành ở New York (B1526) và Brazil (P1) cũng có đột biến E484K. Giới chuyên môn chưa có dữ liệu về mức độ hoạt động của vắc xin đối với 2 biến thể trên.

Trong thời gian chờ đợi, các hãng dược phẩm xác nhận họ có thể điều chỉnh vắc xin để xử lý những đột biến, bản cập nhật khả năng sẵn sàng vào mùa thu.

Tác dụng phụ của vắc xin

Bạn có thể bị một số tác dụng phụ nhưng chúng không nghiêm trọng hoặc kéo dài. Các tác dụng phụ thường gặp gồm mảng mẩn đỏ nơi tiêm ở bắp tay, sốt, đau nhức, mệt mỏi, buồn nôn.

Những điều này không hẳn xấu vì chúng là dấu hiệu hệ miễn dịch của bạn đã nhận thấy và phản ứng với vắc xin đó.

Ở Pháp và Đức, 40% nhân viên y tế gặp các triệu chứng giống cúm sau khi tiêm vắc xin. Điều này khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, những tác dụng như vậy cũng được thấy trong thử nghiệm lâm sàng và giảm sau 7 ngày.

Việc trì hoãn liều thứ hai có rủi ro không?

Khoảng cách giữa các liều đã gây ra một chút tranh cãi. Anh tiêm 2 mũi cách nhau 12 tuần khác với khoảng 4 tuần như nhà sản xuất đệ trình để phê duyệt.

Tuy nhiên, có vẻ như trì hoãn liều thứ hai đến 12 tuần sau liều đầu tiên thực sự là ý kiến hay. Thực tế cho thấy, lần tiêm đầu tiên có tác dụng bảo vệ lâu dài. Bạn tiêm liều thứ 2 sau 12 tuần dường như tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

An Yên (Theo The Conversation)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/chuyen-gia-nuoc-ngoai-danh-gia-ve-vac-xin-viet-nam-sap-tiem-717685.html