Chuyên gia Australia làm rõ ngộ nhận về người đã tiêm chủng
Hai chuyên gia Australia khẳng định dù người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc Covid-19, khả năng phát tán bệnh của họ sẽ được giảm xuống thấp hơn mức một số người ngộ nhận.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi nhiễm SARS-CoV-2, tải lượng virus tối đa ở người đã tiêm ngừa Covid-19 ở mức tương tự so với người chưa tiêm chủng. Điều này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả ngừa lây nhiễm của vaccine.
Nhưng theo Jack Freehan và Vasso Apostolopoulos - hai nhà khoa học về miễn dịch học từ Đại học Victoria (Australia), những nghiên cứu này chỉ nói lên sự tương đương về tải lượng virus cực đại - tức lượng virus lớn nhất trong cơ thể đo được trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Hai nhà khoa học chỉ ra rằng người đã tiêm chủng có khả năng tiêu diệt virus nCoV nhanh hơn và có mức virus tổng thể thấp hơn. Khoảng thời gian người đã tiêm chủng có tải lượng virus ở mức rất cao cũng ngắn hơn.
Vì thế, người đã tiêm chủng trung bình ít có khả năng phát tán bệnh hơn, ông Freehan và bà Apostolopoulos nhận định trong bài viết ngày 18/11 trên Conversation.
Tải lượng virus cực đại tương đương nhau
Nghiên cứu này sau đó kết luận giữa người đã tiêm và chưa tiêm không có sự chênh lệch về tải lượng virus cực đại. Nghiên cứu còn cho thấy số thành viên gia đình mắc Covid-19 từ người đã tiêm chủng chỉ giảm nhẹ so với số người thân lây bệnh từ người chưa tiêm chủng, từ đó thể hiện mức độ lây nhiễm tương đương nhau.
Một nghiên cứu khác chưa được bình duyệt cũng ghi nhận hiện tượng tương tự giữa người đã tiêm và chưa tiêm. Xu hướng này cũng xuất hiện trong kết quả một báo cáo hồi tháng 7 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ).
Báo cáo CDC Mỹ phân tích dữ liệu được thu thập từ một số sự kiện công cộng quy mô lớn diễn ra trong 2 tuần của tháng 7 tại hạt Barnstable, bang Massachusetts. Báo cáo cho biết trong 469 ca Covid-19, 346 ca (74%) là người đã tiêm đầy đủ. Tải lượng virus ở nhóm đã tiêm tương đương nhóm chưa tiêm.
Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Australia cho rằng phân tích của CDC Mỹ không đáng lo ngại vì dữ liệu ở đây được thu thập từ nhóm người không đại diện đầy đủ cho toàn dân số.
Hơn nữa, phương pháp được sử dụng ở đây chỉ là một lần lấy mẫu và xét nghiệm PCR nên không cung cấp được thông tin về tải lượng virus tổng thể theo thời gian, theo hai nhà nghiên cứu Australia.
Tải lượng virus là gì?
Tải lượng virus là khái niệm chỉ lượng virus tồn tại trong dịch cơ thể của người ở thời điểm nhất định. Các nhà khoa học có thể đo đạc chỉ số này bằng cách quan sát mẫu máu, nhưng phương pháp phổ biến đối với bệnh nhân Covid-19 là quan sát mẫu vật lấy từ mũi hoặc họng.
Thông thường, một người có tải lượng virus cao hơn được cho là sẽ có khả năng lây nhiễm lớn hơn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng trong thực tế.
Chẳng hạn, người mắc Covid-19 không triệu chứng và có tải lượng virus thấp thường sẽ phát tán bệnh nhiều hơn vì họ ít có khả năng tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tự cách ly.
Bằng chứng về tác động của tải lượng virus lên mức độ nghiêm trọng của Covid-19 còn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu không tìm ra mối liên hệ giữa lượng virus trong các mẫu xét nghiệm với tình trạng bệnh nặng, nhưng số khác cho thấy xác suất tử vong tỷ lệ thuận với tải lượng virus.
Kết quả của nghiên cứu được công bố trên Lancet cho thấy tải lượng virus ở người đã tiêm tương đương tải lượng virus ở người chưa tiêm. Nhưng nghiên cứu này không đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy vaccine không có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm.
Cụ thể, tuy tải lượng virus cực đại có thể tương đương nhau, người đã tiêm chủng nhiều khả năng sẽ có tải lượng virus tổng thể thấp hơn và vì thế, họ ít có khả năng phát tán bệnh hơn, hai chuyên gia Australia nhận định.
Ngoài ra, nếu xét về tốc độ cơ thể tiêu diệt Covid-19, người đã tiêm chủng sẽ có ít khả năng lây nhiễm hơn. Điều này dường như cũng đúng với biến chủng Delta dễ lây lan.
Người đã tiêm chủng tiêu diệt virus nhanh hơn
Theo hai nhà khoa học Australia, một nghiên cứu được đăng cuối tháng 10 trong tập san y khoa danh tiếng Lancet đã theo dõi 602 ca tiếp xúc gần của 471 bệnh nhân Covid-19 ở Anh nhằm ghi chép sự lây nhiễm và tải lượng virus của nhóm này.
Hai chuyên gia chỉ ra rằng nghiên cứu trên Lancet thu thập số ca mắc ở người đã tiêm chủng bằng với người chưa tiêm chủng để so sánh hai nhóm, nhưng điều này không đại diện cho tình hình thực tế ở Australia, nơi đã tiêm đủ cho 85,1% người trên 16 tuổi, tính tới ngày 20/11.
Nguyên nhân là đến nay, chúng ta biết chắc rằng tiêm chủng đầy đủ giúp giảm khả năng mắc Covid-19, dù không có loại vaccine nào hoàn hảo và vẫn có hiện tượng nhiễm trùng đột phá (tức người đã tiêm chủng vẫn mắc bệnh), theo hai nhà khoa học Australia.
Rất khó để ước lượng chính xác tỷ lệ nhiễm đột phá, nhưng một số nghiên cứu ước tính tỷ lệ này ở mức 0,2-4%. Như vậy, ước tính cứ mỗi 100 người đã tiêm chủng sẽ có khoảng 0,2 tới 4 người mắc Covid-19.
Trong trường hợp nhiễm đột phá, tải lượng virus và có thể là cả mức độ phát tán bệnh của người đã tiêm có khả năng ngang bằng với người chưa tiêm. Tuy nhiên, số người đã tiêm chủng mắc Covid-19 vẫn thấp hơn nhiều.
Quan trọng là dù nghiên cứu Lancet kết luận rằng tỷ lệ lây bệnh cho người cùng gia đình ở người đã tiêm tương đương người chưa tiêm, một số nghiên cứu khác ở nhiều bối cảnh khác nhau cho thấy xác suất người đã tiêm chủng lây bệnh cho nhau sẽ được kéo xuống.
Từ đó, hai nhà khoa học Australia nhận định người đã tiêm chủng ít có khả năng mắc Covid-19 hơn.
Kể cả khi mắc bệnh, người đã tiêm chủng cũng ít có khả năng phát tán bệnh hơn; thời gian phát tán cũng ngắn hơn. Điều này có nghĩa sự lây nhiễm của virus sẽ giảm đáng kể trong cộng đồng có độ phủ vaccine cao.
Dù vậy, nếu chẳng may mắc Covid-19, người đã tiêm đủ vẫn cần tuân thủ khuyến cáo y tế, theo hai nhà khoa học.