Chuyên gia bác bỏ ý kiến '90% người Việt Nam ăn gạo bẩn'

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nông nghiệp đã lên tiếng phản ứng, bác bỏ ý kiến cho rằng '90% người Việt Nam ăn gạo bẩn'.

Gạo Việt ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế

Ngày 5/9, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến về một bài báo trích dẫn lời của đại diện một doanh nghiệp nói tại một buổi tọa đàm: "Tôi xin khẳng định 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...”

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này còn cho rằng “rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ người bị ung thư, tiểu đường... ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".

Liên quan đến phát ngôn trên, chiều 5/9, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định thông tin trên “hoàn toàn sai sự thật”.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trao đổi tại tọa đàm “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” đã nói rằng: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...”

Ý kiến của ông Bình gây hoang mang cho người tiêu dùng, làn tổn hại đến uy tín hình ảnh, thương hiệu của gạo Việt và ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Cường, gạo Việt ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm súat, nhưng xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng, khi xuất được 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Cường khẳng định, trong xuất khẩu gạo, Việt Nam không phải “một mình một chợ”, còn phải cạnh tranh từ các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… Nếu gạo Việt không khẳng định được chất lượng, đảm bảo được các yếu tố an toàn thực phẩm, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.

“Khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính”, ông Cường nói

Vẫn theo ông Cường, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, đặc biệt là tham gia vào Hiệp định thương mại tư do. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng.

“Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận”, ông Cường nói.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định: “Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu, nói tóm lại không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên tôi khẳng định không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng”.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng cho rằng, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo “bẩn” là không thỏa đáng, không có căn cứ, và không công bằng cho gạo Việt.

Theo ông Sơn, trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn.

Chất lượng gạo cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến, chúng ta xây dựng được hệ thống thủy lợi hoành tráng từ Bắc vào Nam; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh.

TS Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, hiện nay, quá trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng ngày càng mạnh mẽ, nông dân Việt Nam sẵn sàng tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-bac-bo-y-kien-90-nguoi-viet-nam-an-gao-ban-post95411.html