Chuyên gia băn khoăn về tính khả thi trong một số chính sách khi thu hồi đất
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều đó là làm sao để đảm bảo các tiêu chí người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Những bất cập, hạn chế trong chính sách bồi thường luôn là “điểm nóng” trong những buổi tọa đàm góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các chuyên gia, nhà khoa học mong muốn lần sửa luật này phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhân dân.
Một trong những nguyên tắc bồi thường về đất được nêu rõ trong dự thảo là phải bảo đảm người có đất bị thu hồi, phải có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng làm sao để đảm bảo cả 3 tiêu chí này, thì dự thảo Luật chưa đề cập rõ, đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Dự thảo có nhiều quy định quan tâm đến lợi ích của người bị thu hồi đất. Nhưng theo tôi chưa rõ ở chỗ ai sẽ là người thực hiện. Ví dụ như nông dân bị thu hồi đất thì tổ chức lớp học nghề và kinh phí ấy ai chịu. Theo tôi kinh phí ấy chủ dự án phải chịu. Trước đây quy định như vậy nhưng trong thực tế thực hiện rất hình thức hoặc không thực hiện. Người dân bị thu hồi đất chỉ đi khắp nơi mà không ai để ý, mặc dù luật có quy định".
Ông Nguyễn Cảnh Quý, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh quy định có cuộc sống đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là khó khả thi trong thực tế. Theo vị chuyên gia này, “có những dự án sau khi thu hồi đất không còn đất thì lấy gì bồi thường cho người bị thu hồi. Thứ 2 là việc thu nhập của cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất có tốt hơn hay không thì phụ thuộc điều kiện sản xuất kinh doanh sau khi bị hồi đất. Nếu quy định như vậy thì khó có tính khả thi”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Long, Hội Cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị: “Những công trình công cộng mà sử dụng vốn đầu tư công có điểm bất lợi ở chỗ: thực ra dự án nhà nước phê duyệt, như thế trở thành nằm trong điều kiện lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước đứng ra thu hồi. Nhưng thực chất là nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước để buộc người nông dân giao đất cho chủ thể mới. Nan giải, khó giải quyết ở chỗ bất hợp lý"./.