Chuyên gia bảo tồn Hoàng Văn Chương theo đuổi giấc mơ bảo vệ môi trường

Trở về từ Đại học James Cook, Townsville (Australia), chuyên gia bảo tồn Hoàng Văn Chương chọn cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.

Anh Hoàng Chương tại Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Sơn Trà.

Anh Hoàng Chương tại Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Sơn Trà.

Cống hiến sự nghiệp cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên

Tích lũy các kỹ năng nghiên cứu và truyền thông ứng dụng nâng cao khi theo học Thạc sĩ ngành Sinh học nhiệt đới và bảo tồn tại Đại học James Cook, Townsville, Australia, chuyên gia bảo tồn Hoàng Văn Chương trở về Việt Nam tiếp tục cống hiến sự nghiệp của mình cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên.

Đến thăm Khu bảo tồn Billabong tại Australia khi còn là sinh viên Đại học James Cook ở Townsville theo Học bổng Chính phủ Australia, Hoàng Chương đã nuôi giấc mơ tạo ra một không gian tương tự ở Việt Nam - quê hương mình, ở đó, mọi người có thể kết nối thân thiện với các loài động, thực vật hoang dã.

Anh say mê tìm hiểu môi trường sống tự nhiên của động vật hoang dã ở Australia, phương pháp chăm sóc động vật hoang dã đúng chuẩn, từ đó giúp mọi người hiểu và biết cách bảo vệ chúng. Tìm cách bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học từ lâu đã là niềm đam mê và lẽ sống định hướng con đường sự nghiệp của anh.

Hoàng Chương nhận Học bổng Chính phủ Australia để theo học tại trường ĐH James Cook.

Hoàng Chương nhận Học bổng Chính phủ Australia để theo học tại trường ĐH James Cook.

Là người đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn GreenViệt, anh Chương đã thực hiện các dự án nghiên cứu trong nhiều năm. Cùng với các hoạt động nghiên cứu, anh nhận ra việc truyền thông cho cộng đồng địa phương hiểu về các hoạt động nghiên cứu và thu hút họ tham gia bảo tồn động vật hoang dã và rừng nhiệt đới là rất quan trọng. Có như vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học mới thực sự hiệu quả và mang tính bền vững.

GreenViệt là trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập vào tháng 10 năm 2012 và hoạt động tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trung tâm tiến hành các nghiên cứu về đa dạng sinh học nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ hoạt động bảo tồn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. GreenViệt cũng tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua truyền thông và giáo dục. Trung tâm cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, báo chí và các tổ chức liên quan nhằm kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo tồn.

“Nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu không chỉ giới hạn ở các công việc trong phòng thí nghiệm hay hiện trường, chúng tôi cần kết nối với các địa phương và vận động chính sách” – anh Chương chia sẻ.

Đây cũng chính là động lực để anh Chương nộp đơn xin Học bổng Chính phủ Australia để cập nhật kiến thức và tiếp thu thêm những kỹ năng ngày càng quan trọng đối với công việc của mình tại GreenViệt, chẳng hạn như các nguyên tắc bảo tồn, truyền thông nghiên cứu và sự tham gia của công chúng.

Anh Chương chia sẻ: “Ngoài kiến thức, tôi còn có nhiều cơ hội kết nối vô giá. Cựu sinh viên Việt Nam nhận Học bổng Chính phủ Australia hoặc cựu sinh viên Việt Nam của Đại học James Cook đã tạo thành những cộng đồng gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp. Tôi luôn duy trì mối quan hệ chuyên môn với các giáo viên của mình”.

Hoàng Chương cùng đồng nghiệp đi thực địa tại Việt Nam.

Hoàng Chương cùng đồng nghiệp đi thực địa tại Việt Nam.

Thúc đẩy bảo tồn qua giáo dục

Với những kỹ năng mới tích lũy được, anh Chương tiếp tục thúc đẩy các dự án tại GreenViệt, mở rộng từ nghiên cứu đến thúc đẩy bảo tồn thông qua giáo dục. Anh đang áp dụng kiến thức về các nguyên tắc bảo tồn để khuyến khích công chúng tham gia vào quá trình này.

GreenViệt kết nối cộng đồng tham gia các dự án bảo tồn.

GreenViệt kết nối cộng đồng tham gia các dự án bảo tồn.

Theo anh Chương, để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, động thực vật hoang dã, không những cần sự chung tay của tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ mà còn cần sự tham gia của tất cả các cá nhân và cộng đồng để có thể ngăn chặn các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức và không bền vững. Về lâu dài, việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường một cách đồng bộ cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, dựa trên nền tảng bảo tồn đa dạng sinh học là vô cùng quan trọng.

Là Giám đốc phát triển của GreenViệt, anh Chương chịu trách nhiệm phát triển dự án và quan hệ đối tác. Anh cũng đang điều hành chương trình “Triệu cây xanh trong thành phố” và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Phối hợp với GS. Stephen William của Đại học James Cook, anh đã thành lập một mạng lưới nghiên cứu về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu tại châu Á.

Dù bận rộn trong việc mở rộng các dự án tại GreenViệt, anh Chương thường xuyên tham gia các hoạt động của cựu sinh viên. Sự kết nối về chuyên môn với những cựu sinh viên Australia khác tại Việt Nam đã giúp anh có cơ hội tham gia các dự án liên ngành như Chương trình vệ sinh đô thị phối hợp với Huỳnh Văn Thương, cựu sinh viên Học bổng Chính phủ Australia và đại diện của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Theo anh Chương, việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ sẽ giúp ích rất nhiều cho cựu sinh trong phát triển sự nghiệp. “Nhận được học bổng có nghĩa là bạn có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân, bạn còn có thể hỗ trợ một cách hiệu quả hơn cho cộng đồng”.

Học bổng Chính phủ Australia là học bổng quốc tế uy tín được Chính phủ Australia trao cho thế hệ các nhà lãnh đạo toàn cầu tương lai trong lĩnh vực phát triển. Thông qua quá trình học tập và nghiên cứu, người nhận học bổng sẽ phát triển các kỹ năng và kiến thức để tạo ra sự thay đổi và góp phần xây dựng mối quan hệ bền vững giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Australia.

Đức Trí

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-bao-ton-hoang-van-chuong-theo-duoi-giac-mo-bao-ve-moi-truong-post654235.html