Chuyên gia các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982

Đại hội đồng khóa 77 tổ chức Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Ảnh: TTXVN

Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 - vốn được coi là bản “Hiến pháp của đại dương", đã đặt ra chế độ luật pháp và trật tự toàn diện tại các đại dương và vùng biển trên thế giới, đồng thời thiết lập quy tắc quản lý mọi hoạt động sử dụng đại dương và tài nguyên biển.

Bởi vậy, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cũng như xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, có ý nghĩa quan trọng.

Đây là khẳng định được ông Veeramalla Anjaiah, nhà báo cao cấp và hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) của Indonesia, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta nhân 40 năm UNCLOS 1982 chính thức ký kết (10/12/1982) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký DOC (4/11/2002).

Theo ông Anjaiah, trải qua 40 năm, UNCLOS 1982 đã chứng minh là một văn kiện quan trọng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng hải quốc tế. Văn kiện đã được áp dụng rộng rãi nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải giữa các quốc gia trên toàn cầu.

Kể từ khi được mở ký, đến nay đã có 168 thành viên phê chuẩn văn kiện - vốn được thiết lập để xác định ranh giới ven biển và hàng hải, điều chỉnh hoạt động thăm dò đáy biển không nằm trong các yêu sách lãnh thổ và phân phối nguồn thu từ hoạt động thăm dò theo quy định.

Đánh giá về ý nghĩa và vai trò của DOC trong việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, ông Anjaiah nhấn mạnh đây là văn kiện chính trị đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông ở cấp khu vực.

DOC thể hiện rõ hai mục đích là thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và tham gia vào hợp tác hàng hải thiết thực. Trên thực tế, việc tất cả các bên thực hiện đầy đủ DOC có thể tạo ra một Biển Đông hòa bình và ổn định cho tới khi COC được ký kết.

Trong khi đó, nhận định về tầm quan trọng của UNCLOS 1982, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về biển Đông, đề cao vai trò của Công ước đối với các nước nhỏ và đang phát triển.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mỹ, chuyên gia Poling cho rằng văn kiện này có ý nghĩa quan trọng vì hai lý do chính. Thứ nhất, UNCLOS 1982 tạo ra một hệ thống bình đẳng hơn cho tất cả các quốc gia trong việc tiếp cận và quản lý các nguồn tài nguyên biển cũng như được hưởng các quyền của mình. Văn kiện đã mang lại cho các nước đang phát triển và các quốc gia ven biển một tiếng nói lớn hơn, ít nhất là ở khu vực biển Đông. Thứ hai, UNCLOS 1982 là hiệp ước quốc tế được chấp nhận rộng rãi nhất sau Hiến chương LHQ. Mọi thành viên trong hệ thống quốc tế đều có vai trò trong việc định hình công ước này. Văn kiện này lập kỷ lục thế giới về số quốc gia ký hiệp ước trong một ngày - ngày mở ký chính thức 10/12/1982.

Về vai trò của UNCLOS 1982 trong việc giải quyết tranh chấp biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia Polling cho rằng văn kiện này đã đặt ra những giới hạn cho những tranh chấp, đồng thời tạo ra một quy tắc thống nhất về cách thức thực hiện các yêu sách hàng hải. UNCLOS 1982 đặt ra giới hạn về những gì các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền để các tranh chấp có giới hạn rõ ràng (quy định rõ về ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa). Hầu hết các quốc gia hiện nay đã xác định rất rõ vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Văn kiện này đã làm cho việc giải quyết các tranh chấp khả thi hơn và buộc các quốc gia phải làm rõ các yêu sách trong nhiều trường hợp.

Trước đó, nhân 40 năm UNCLOS 1982 được chính thức mở ký, phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có cuộc trao đổi với ông Pavel Gudev - Chuyên gia Luật biển quốc tế, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga về vai trò của UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp về biển.

Chuyên gia Gudev nhận định UNCLOS là một thử nghiệm độc đáo trong quan hệ quốc tế vì đã được soạn thảo trong gần 10 năm (từ 1973 đến 1982). Ông Gudev nhấn mạnh tầm quan trọng của công ước. Ông cho rằng UNCLOS 1982 có thể được xem như Hiến pháp về biển vì có vai trò điều chỉnh hầu hết các hạng mục sử dụng về biển như khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, giao thông hàng hải…

Trong UNCLOS 1982, các phương pháp đàm phán và ra quyết định hoàn toàn độc đáo cũng đã được sử dụng. Lần đầu tiên Công ước đưa ra cách tiếp cận trọn gói trong việc đưa ra quyết định khi giải quyết một vấn đề lớn bao gồm nhiều vấn đề nhỏ, có tác dụng giúp đàm phán giữa các bên diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Gudev, UNCLOS 1982 ra đời đã đưa ra những phạm trù mới, như nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vùng đáy biển quốc tế. UNCLOS 1982 cũng là công ước đi tiên phong trong khái niệm di sản chung của nhân loại.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế - Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), được ký kết vào ngày 10/12/1982, là khuôn khổ pháp lý toàn cầu bao trùm và quan trọng nhất để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trên biển.

Công ước được coi như bản hiến pháp về đại dương, quy định về các hoạt động trên biển từ xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; phân định biển, khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, đến thực thi pháp luật trên biển và giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển.

Việc Công ước được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu phê chuẩn, trong đó có cả những quốc gia không có biển như Lào, Mông Cổ hay Thụy Sĩ, cho thấy các quy định của Công ước được cộng đồng quốc tế công nhận một cách rộng rãi.

Theo Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, do UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia, nên Công ước này thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới. Nguyên tắc quan trọng nhất về giải quyết tranh chấp mà UNCLOS đưa ra là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ.

Tiến sĩ Vũ Hải Đăng nêu rõ UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý để các bên xây dựng yêu sách về vùng biển của mình, phân định các vùng biển chống lấn và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các khu vực có tranh chấp.

Việc thực thi công ước sẽ làm giảm thiểu các khu vực chồng lấn và quản lý các tranh chấp một hiệu quả hơn, tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tiến sĩ Vũ Hải Đăng nhắc lại Việt Nam là nước đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 vào tháng 6/2021.

Từ 12 quốc gia sáng lập đến nay, nhóm đã có 115 thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý trên thế giới trong đó có tất cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thời gian qua, Nhóm bạn bè của UNCLOS đã tổ chức định kỳ hằng quý các buổi họp nhóm để thảo luận các vấn đề xung quanh việc thực thi UNCLOS, vai trò của UNCLOS trong quản trị biển và đại dương, cũng như các vấn đề liên quan đến biển và đại dương khác như bảo tồn và phát triển bền vững biển, bảo vệ môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nghề cá, tội phạm trên biển...

Vai trò quan trọng nhất của Nhóm bạn bè UNCLOS là thúc đẩy, tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò quan trọng của UNCLOS như là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của tất cả các quốc gia trên biển.

Các hoạt động của nhóm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là một kênh hữu ích trong việc trao đổi, thảo luận giữa các quốc gia về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.

Đề cập tình hình biển Đông, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng đánh giá Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), ký kết ngày 4/11/2002 tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, là thành quả của quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên tại biển Đông (COC).

DOC và COC là cơ chế chính thức duy nhất giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm trao đổi, thảo luận chuyên sâu về biển Đông. Việc ASEAN và Trung Quốc mất nhiều thời gian để đàm phán các nội dung của COC cho thấy các bên muốn đạt được một kết quả thực chất.

H.T (tổng hợp theo TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291226/chuyen-gia-cac-nuoc-nhan-manh-tam-quan-trong-cua-unclos-1982.html