Chuyên gia cảnh báo một số nước châu Á và châu Phi có nguy cơ vỡ nợ

Một số quốc gia ở châu Á và châu Phi có thể sắp vỡ nợ giống như Sri Lanka do tác động tiêu cực của các yếu tố bên ngoài như chi phí đi vay và giá nhiên liệu cũng như lương thực tăng.

Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia Mikhail Nikolaev, Giám đốc nhóm phân tích xếp hạng tín nhiệm thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm của Nga (ACRA), nhận định một số quốc gia ở châu Á và châu Phi có thể sắp vỡ nợ giống như Sri Lanka do tác động tiêu cực của các yếu tố bên ngoài như chi phí đi vay và giá nhiên liệu cũng như lương thực tăng.

Theo ông Nikolaev, tác động tiêu cực của các yếu tố này có thể gây áp lực và khiến các quốc gia vốn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài để trang trải cho nhu cầu của họ và không có đủ nguồn hàng hóa dự trữ, bị vỡ nợ.

Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mở các cuộc đàm phán về giải cứu với Pakistan, Ai Cập và Tunisia về khả năng tái cơ cấu nợ.

Trong tháng 4/2022, Sri Lanka đã tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài.

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử đất nước kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.

Theo số liệu thống kê, tổng số nợ nước ngoài của Sri Lanka vào khoảng 51 tỷ USD.

Ông Nikolaev phân tích: "Việc thiếu dự trữ, thu nhập ngoại hối giảm, chi phí tài trợ nhập khẩu tăng và nhu cầu hỗ trợ chi tiêu ngân sách đã khiến đồng nội tệ của Sri Lanka giảm giá 77,5% kể từ đầu năm 2022 và tỷ lệ lạm phát trong tháng 6/2022 lên tới 54,6%."

"Theo các chuyên gia của ACRA, do việc nhà chức trách thực thi chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định, đại dịch COVID-19, việc Mỹ nâng lãi suất và giá năng lượng cũng như lương thực tăng cao, ngân sách và vị thế bên ngoài của Sri Lanka đã suy yếu đáng kể"./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-canh-bao-mot-so-nuoc-chau-a-va-chau-phi-co-nguy-co-vo-no/806464.vnp