Chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ dẫn đến căng thẳng trên Biển Đông
Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong vùng biển tranh chấp khiến mối lo về nguy cơ xung đột ở Biển Đông ngày càng tăng. Các chuyên gia quốc tế tiếp tục cảnh báo.
Giám đốc phụ trách Hàng hải và Thương mại của công ty luật DWF Jonathan Moss ngày 4/10 cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông khiến các quốc gia khác bị đặt truôong tình trạng báo động do họ không cùng "sức mạnh quân sự".
Phát biểu với tờ Daily Express, ông Jonathan Moss nói: "Tôi thấy rõ về nguy cơ xung đột toàn diện… Một điều chắc chắn rằng có nguy cơ xảy ra các sự cố riêng lẻ và như chúng ta đã biết, một chuỗi các sự cố đơn lẻ có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn".
Cảnh báo trên được đưa ra trong thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ đang có các động thái tập trung khí tài ở khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó trước những động thái của Trung Quốc liên quan đến đòi hỏi chủ quyền tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc hạ thủy tàu tuần tra biển lớn nhất
Nằm trong chiến lược gia tăng sức mạnh hải quân, trang mạng asiatimes.com ngày 3/10 đưa tin, tàu Hải Tuần 09 (Haixun 09) - tàu tuần tra biển lớn nhất của Trung Quốc - được hạ thủy tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), miền Nam Trung Quốc.
Tào Đức Thắng (Cao Desheng), Cục trưởng Cục Hải sự Trung Quốc, cho biết tàu Hải Tuần 09 sẽ giúp Trung Quốc tăng cường kiểm soát giao thông hàng hải và hỗ trợ trong các trường hợp khẩn cấp, đảm bảo các tuyến đường biển an toàn và thông suốt cũng như bảo vệ lợi ích của đất nước nói riêng và thế giới nói chung.
Nhật báo Trung Quốc dẫn lời ông Nghiêm Bồi Ba, kỹ sư trưởng phụ trách dự án đóng tàu Hải Tuần 09, cho biết tàu tuần tra an toàn hàng hải mới dài 165 mét, lượng giãn nước 10.700 tấn và vận tốc khoảng hơn 46 km/h. Hải Tuần 09 có thể đi xa hơn 10.000 hải lý (18.520 km) với tốc độ 16 hải lý/giờ và thực hiện các chuyến đi biển kéo dài hơn 90 ngày.
Trên tàu có bãi đáp máy bay trực thăng và một trung tâm dữ liệu với nhiều hệ thống liên lạc vệ tinh, bao gồm cả Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Tàu Hải Tuần 09 có hệ thống phòng máy thông minh với khả năng giám sát trực tiếp hoạt động của hệ thống đẩy chính và máy phát điện.
Con tàu này cũng sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp và có hệ thống loại bỏ các nitơ oxit, thường có trong khí thải động cơ.
Cũng theo Nhật báo Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tuần tra hàng hải có khả năng hoạt động tầm xa và tại các vùng biển sâu bằng cách tiến hành đổi mới về mặt công nghệ.
Lo ngại về cạn kiệt nguồn cá
Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong vùng biển tranh chấp còn được cho là diễn ra trong bối cảnh những lo ngại ngày càng gia tăng về cạn kiệt nguồn cá.
Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chỉ ra rằng, trữ lượng cá trong khu vực đã giảm tới 95% so với những năm 50 của thế kỷ trước. CSIS ước tính chỉ trong 2 thập kỷ trở lại đây, nguồn cá ở Biển Đông đã mất đi tới 75%.
Cũng theo báo cáo của CSIS, trong năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp khoảng 7,2 tỷ USD cho các ngư dân trong nước để đội tàu thuyền của họ có thể đi tới những vùng biển xa hơn và đánh bắt cá dài ngày hơn trên biển.
(tổng hợp)