Theo báo cáo do Giám đốc Nhóm đặc trách Peter Pry chắp bút, nếu xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ không ngài chủ động tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, bất chấp việc Bắc Kinh tuyên bố “không tấn công trước”.
Ông Peter Pry cho rằng, chính sách “Không tấn công trước” về hạt nhân của Trung Quốc không đáng tin vì trên thực tế, khả năng cảnh báo sớm của Bắc Kinh tụt hậu so với cả Nga và Mỹ, làm giảm cơ hội trong tấn công trả đũa.
Bản phân tích nhận định, vũ khí “siêu EMP” được Trung Quốc phát triển dựa trên thông tin thiết kế lấy được từ các phòng thí nghiệm hạt nhân của Mỹ. Những thiết bị này từng được Mỹ và Liên Xô thử nghiệm trong những năm 1960.
Xung điện từ EMP sử dụng các đầu đạn hạt nhân đương lượng thấp, được thiết kế đặc biệt để tối đa hóa phát tán điện từ thay vì sức nổ phá hủy vật lý, nhưng Trung Quốc liệt đây là vũ khí tấn công mạng.
Theo các chuyên gia trong nhóm, Trung Quốc đã phát triển 3 phương pháp tấn công EMP nhằm vào Mỹ. Phương pháp thứ nhất là sử dụng tên lửa đạn đạo và cho kích hoạt đầu nổ trên không để tạo ra sóng xung điện từ.
Thứ hai là sử dụng tên lửa, vũ khí siêu thanh kĩ thuật cao - lĩnh vực Trung Quốc có bước tiến mạnh mẽ thời gian gần đây.
Cuối cùng là phương pháp mang dấu ấn của thời tương lai - đó là sử dụng thiết bị hạt nhân đặt trên không gian vũ trụ - việc làm bị cấm theo quy định của luật pháp quốc tế hiện hành.
“Các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nên được coi là chuẩn bị cho Chiến tranh thông tin toàn diện, bao gồm cả cuộc tấn công hạt nhân bằng xung điện từ”, các chuyên gia về bảo vệ lưới điện Mỹ cho hay
Nếu Trung Quốc đang vận hành các vệ tinh có trang bị hạt nhân cho cuộc tấn công bất ngờ bằng xung điện từ thì đây sẽ là một trong những bí mật quân sự được bảo vệ sâu nhất và tốt nhất của họ, theo báo cáo của Mỹ.
Báo cáo có thể có ích cho Washington khi luôn nghi ngờ các đối thủ của nước Mỹ có kế hoạch đưa vũ khí vào không gian. Matxcơva đã nhiều lần kêu gọi Mỹ từ bỏ việc quân sự hóa không gian, cho rằng họ sẽ chỉ gây bất ổn hơn nữa cho an ninh toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 5-2020 cũng đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm sử dụng các thiết bị “do đối thủ nước ngoài sản xuất” trong lưới điện Mỹ. Quyết định nhằm bảo vệ hệ thống điện Mỹ khỏi các đợt tấn công mạng và những vụ tấn công khác.
Hồi năm 2019, ông Charles Durant, Phó giám đốc Văn phòng Phản gián thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, từng cảnh báo: “Trong một thập niên qua, hơn 200 máy biến áp công suất lớn của Trung Quốc đã xâm nhập vào hệ thống điện của Mỹ. Trước đó, con số này bằng 0”.
“Tin tặc có thể thông qua máy tính hành chính để trộm thông tin về sơ đồ, thiết kế nhà máy điện hạt nhân, lịch làm việc, để từ đó lên kế hoạch tấn công thật sự”, chuyên gia David Lochbaum thuộc Tổ chức Nghiên cứu Union of Concerned Scientists cũng cảnh báo
Một số chuyên gia khác cho rằng nguy cơ lớn nhất là tin tặc có thể phá hoại, dẫn đến gây nổ nhà máy và làm rò rỉ phóng xạ. Khi đó sẽ là một thảm họa quy mô lớn với hậu quả khó lường.
Đến nay, vẫn chưa có thông tin cho thấy tin tặc Nga hay Trung Quốc có thể ngắt điện ở Mỹ bằng những đợt tấn công mạng. Sự cố mất điện duy nhất được xác nhận do tin tặc Nga gây ra là ở Ukraine hồi năm 2015 và 2016, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người.
Hải Yến (Theo RT/Reuters)