Chuyên gia cảnh báo thận trọng khi làm hầm đường bộ qua đê sông Hồng

Theo chuyên gia, Sông Hồng được hình thành bởi phù sa hàng nghìn năm, địa chất yếu, chủ yếu là đất cát và bùn, dễ sụt lún. Việc xây dựng một công trình bê tông xuyên qua đê trên nền đất yếu có thể không an toàn.

Làm hầm vẫn đảm bảo an toàn chống lũ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Hoàn Kiếm. Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024, quận Hoàn Kiếm có 22 dự án với diện tích 2,08 ha.

Trong đó, đáng chú ý là Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ có kết hợp người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, triển khai theo Nghị quyết số 30 của HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công. Tiến độ thực hiện là 2022 - 2024.

Phối cảnh hầm qua đê sông Hồng.

Phối cảnh hầm qua đê sông Hồng.

Trước đó, năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trên. Theo đó, xây dựng hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ với kết cầu bằng bê tông cốt thép. Hầm có khẩu độ rộng 18,25 m, cao 3,2 m và dài 15,7 m. Mặt ngoài tường thân và vòm hầm được trang trí tạo dáng kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực, bố trí cấu tạo cửa hầm kết nối hệ thống cửa phai tự động và thủ công 2 đầu hầm.

Bố trí cửa phai tự động và cửa phai lắp ghép để đảm bảo an toàn lũ tại 2 cửa hầm; vuốt dốc đoạn đường Trần Quang Khải trên cao qua đỉnh hầm về 2 phía; mở rộng đoạn từ cửa hầm ra phố Chương Dương Độ; lắp đặt 2 cửa phai ngăn lũ tại 2 đường gom nối đường Trần Quang Khải trên cao vào đường Chương Dương Độ, mở rộng 2 làn xe 2 bên đoạn đường Trần Quang Khải trên cao qua đỉnh hầm về 2 phía. Dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm Chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Theo PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà nội, có hai giải pháp, một là cầu vượt hai là hầm ngầm. Nhưng nếu để làm cầu vượt nối thông từ Chương Dương vào Trần Nguyên Hãn không hợp lý, hầm ngầm là phương án nên làm. Tuy nhiên, hầm ngầm thông qua đê thì phải tính đến phương án khi biến đổi khí hậu, nước từ sông Hồng tràn vào nội thành gây ngập lụt.

Theo chuyên gia nếu được nghiên cứu thấu đáo, giải quyết được những câu hỏi nêu trên thì việc triển khai các đường hầm từ nội thành ra ngoài các vùng đê hữu Hồng là cần thiết tạo thuận lợi cho giao lưu đi lại thuận tiện cho người dân để giảm ách tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Chủ trương làm đường hầm hoặc cầu vượt qua đê sông Hồng, tạo thuận lợi trong lưu thông cho người dân ở khu vực ngoài đê đã có từ lâu. Đến nay khi đưa vào thực thi, cần nghiên cứu, tính toán kỹ các yếu tố hệ lụy đi kèm nếu có thể thì mới thực hiện thành công được.

Chống lũ cho nội đô thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi bày tỏ băn khoăn về phương án làm hầm qua đê sông Hồng. Ông cho biết đê và hành lang thoát lũ là thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tất cả các công trình xây dựng, giao thông, nhà ở... đều không được xâm phạm vào khu vực này. Trường hợp Hà Nội thống nhất làm hầm qua đê sông Hồng thì phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho ý kiến, nghiên cứu thận trọng.

"Sông Hồng được hình thành bởi phù sa hàng nghìn năm, địa chất yếu, chủ yếu là đất cát và bùn, dễ sụt lún. Việc xây dựng một công trình bê tông xuyên qua đê trên nền đất yếu có thể dẫn đến sụt lún. Khi sụt lún, bề mặt đê sẽ có thể bị nứt, đây là bài toán khó giải. Khi thực hiện một công trình trên nền đất này phải gia cố địa chất, có hội đồng chuyên gia kỹ thuật để quản lý, nhưng là vấn đề khó vì nhiều năm nay sông Hồng vốn sụt trượt.

Ngoài ra làm đường hầm có nhiều rủi ro. Việc thiết kế chui qua đê, nếu xảy ra các tình huống tai nạn, va chạm, cháy nổ ở khu vực đường hầm thì xử lý thế nào? Từ xưa đến nay không ai đề xuất làm đường hầm qua đê sông Hồng", GS Vũ Trọng Hồng nêu ý kiến.

Theo phương án thiết kế sẽ có các cửa phai để phòng chống lũ. Nhưng theo GS Vũ Trọng Hồng, cửa phai có thể chưa phải là giải pháp an toàn để chống lũ bởi người ta chỉ áp dụng ở vùng có địa chất tốt, nhiều đất sét. Sông Hồng là đất bồi dày đến mấy chục mét, nền rất yếu, dù có bạt dốc gì, chỉ cần có tải trọng lớn là dễ sụt lún vì đáy đều là đất bồi và đất bùn chứ không phải đất sét", GS Vũ Trọng Hồng nói.

GS Hồng lo lắng, hiện tại mực nước sông Hồng thấp do các nhà máy thủy điện ở thượng lưu đang giữ nước. Chúng ta không thể lường được khả năng xả lũ ở thượng nguồn nên phải luôn có các kịch bản phòng chống lũ cho Hà Nội. Thiên nhiên biến động vốn khó lường, phải tính toán cho các kịch bản vài trăm năm. Chúng ta không thể đảm bảo ở thượng nguồn không xả lũ, do đó không thể lơ là khả năng sông Hồng xảy ra ngập nếu vành đai đê sông Hồng không được bảo vệ.

"Trận lụt gần nhất ở Hà Nội là vụ vỡ cống Mai Lâm (khu vực Đông Anh, Hà Nội) năm 1957. Khi đó, nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân bị nước cuốn trôi, ruộng đất bị cát vùi lấp. Do vậy, khi đang ở trong chu kỳ an toàn, chúng ta phải bảo vệ hành lang thoát lũ, hệ thống đê bảo vệ phòng tránh nguy Khi lũ đến, đê yếu thì nguy cơ ngập của Hà Nội sẽ rất cao", GS Vũ Trọng Hồng cho hay.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-canh-bao-than-trong-khi-lam-ham-duong-bo-qua-de-song-hong-169240313115252672.htm