Chuyên gia chỉ cách thoát hiểm khi cháy quán karaoke
Ông cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến các quán karaoke thường xảy ra hỏa hoạn là do phần thiết kế.
Thông tin vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương làm 32 người thiệt mạng khiến nhiều người bàng hoàng. Nhìn hình ảnh người thân chờ nhận diện thi thể, trông ngóng chồng, con trong vô vọng ai nấy đều rơi nước mắt.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, năm 2018, một vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông (Hà Nội) cũng khiến 13 người tử vong.
Gần đây nhất là vụ cháy ở phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Tổng giám đốc Học Viện Thành Công, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy kỹ năng sinh tồn, bảo vệ bản thân... đưa ra lời khuyên giúp thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Chuyên gia Vũ Việt Anh đưa ra lời khuyên giúp thoát hiểm khi có hỏa hoạn.
Ông cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến các quán karaoke thường xảy ra hỏa hoạn là do thiết kế. Nhiều quán karaoke tận dụng tối đa không gian để đưa nhiều thiết bị đèn chiếu sáng vào bên trong. Điều này khiến các phòng ốc trở nên chật hẹp lại có quá nhiều thiết bị điện tử. Hơn nữa, công suất của các thiết bị loa điện lớn dẫn tới nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao.
Thứ hai, các vật liệu cách âm, chống ồn thường có nệm mút ở giữa. Các vật liệu này nếu chọn loại rẻ tiền để sử dụng sẽ càng dễ bắt lửa, dẫn tới cháy nổ.
Thứ ba, tâm lý của khách hàng đi hát thường để giải tỏa stress. Trong khi hát, họ thường uống rượu bia, hút thuốc, gạt tàn. Việc vứt tàn thuốc lung tung cũng là nguyên nhân dễ gây hỏa hoạn.
Sau vụ cháy ở Bình Dương, Tiến sĩ Việt Anh cũng đưa ra những cảnh báo với khách hàng khi đi hát.
Thứ nhất, cần chọn địa điểm hát rộng rãi, thoáng mát, phải có thang thoát hiểm bên ngoài.
Thứ hai, khi vào phòng hát cần quan sát địa hình để biết đường đi, lối thoát hiểm, thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy để giảm thiểu rủi ro khi có cháy nổ.
Thứ ba, khi phát hiện cháy cần lập tức dừng các hoạt động và hết sức bình tĩnh. Cảnh báo mọi người tìm nơi an toàn, gọi cho cơ quan phòng cháy tới trợ giúp.
Kiểm tra nguồn cháy: Nếu nguồn cháy ở dưới thì phải chạy lên trên và ngược lại, đám cháy ở bên trên thì chạy xuống dưới. Trước khi ra ngoài phải kiểm tra xem tay nắm cửa có bị nóng không, nếu bị đốt nóng thì tức là ở bên ngoài có cháy. Lúc này chúng ta cần vào bên trong để tìm lối thoát khác.
Thứ tư, khói thường có xu hướng bốc lên trên nên khi di chuyển phải cúi thấp người xuống, tránh hít phải khói gây ngạt. Ngoài ra, cần lấy áo, mành rèm nhúng nước, thậm chí làm ướt quần áo trên người, bò ra bên ngoài để bảo vệ hệ hô hấp, tìm đến nơi thoát hiểm hoặc có đội cứu hộ.
Chuyên gia cũng hi vọng rằng những người thường xuyên đi hát nên có kiến thức cơ bản cho mình để phòng sự cố không mong muốn xảy ra.