Chuyên gia chỉ ra 2 'thói quen' kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp Việt trên trường quốc tế
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng khó tính, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế đang là vấn đề được ngành nông nghiệp quan tâm hơn bao giờ hết.
Hiện nay, quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%. Có thể thấy sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Bỏ qua những yếu tố khách quan về thị trường, bản thân doanh nghiệp Việt cũng đang tự kìm hãm sự phát triển và sức cạnh tranh của mình với 2 “thói quen” là “ham lợi trước mắt” và “thích làm cái dễ”. Đây là ý kiến được ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đưa ra tại tọa đàm Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, muốn việc xuất khẩu diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp cần nắm rõ yêu cầu của từng thị trường đối với các sản phẩm nông sản, tránh việc nông sản xuất đi lại bị trả về hoặc yêu cầu xử lý.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy số doanh nghiệp làm được điều này vẫn còn rất ít. Tiêu biểu như vụ việc diễn ra hồi đầu tháng 8, nhiều loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị Tổng cục Hải quan nước này cảnh báo vi phạm kiểm định bảo vệ thực vật, còn sầu riêng xuất khẩu có trái non, kém chất lượng”, ông Bình nói.
Theo chuyên gia này, nguyên nhân của thực trạng trên là thói quen ham lợi trước mắt của một bộ phận nông dân và doanh nghiệp Việt. Một số nông dân hiện nay vẫn duy trì các phương pháp canh tác cũ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng để gia tăng sản lượng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt, không ngần ngại sử dụng "chiêu trò" như trộn gạo chất lượng kém với gạo giá cao, bơm tạp chất vào tôm…
Ông Bình khẳng định, lối kinh doanh “tham bát bỏ mâm” như vậy về lâu dài không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản nhắc nhở các tỉnh có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trong việc tuân thủ những quy định về xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát chặt chẽ hơn nữa quá trình sản xuất của các hộ nông dân, đảm bảo bà con tuân thủ những cam kết đã ký với doanh nghiệp cũng như đảm bảo những quy định mà thị trường đưa ra. Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng kiến nghị Nhà nước nên có thêm những chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn các tình trạng tương tự tái diễn.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản.
Lý giải về việc thị trường Trung Quốc được người Việt ưa chuộng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc vừa có nhu cầu lớn, vừa có vị trí địa lý gần nước ta. Hơn nữa, chi phí logistics và rủi ro cũng thấp hơn các thị trường khác.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch. Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc dễ khiến doanh nghiệp Việt mất đi sự chủ động. Bằng chứng là trong quá khứ, nhiều lần thị trường này thay đổi chính sách trong hoạt động nhập khẩu nông sản đã khiến doanh nghiệp nước ta trở tay không kịp.
Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn đến các thị trường ở xa như Mỹ và Châu Âu.
Để làm được điều đó, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng nước ta cần đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản. Qua đó, không chỉ giúp nông sản giữ được lâu, dễ dàng vận chuyển và xuất khẩu đến các khu vực xa; mà còn giảm thiểu rủi ro nông sản tồn dư khi sản lượng hàng năm ngày càng gia tăng. Đây cũng chính là hướng đi lâu dài cho ngành nông nghiệp Việt trong tương lai.