OPEC say đòn trước giông tố toàn cầu

Trong báo cáo về thị trường dầu tháng 12/2024, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ước tính nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,61 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm khoảng 210.000 thùng/ngày so với mức tăng 1,82 triệu thùng/ngày dự báo vào tháng trước.

Nhu cầu sử dụng toàn cầu tụt dốc

2024 có thể nói là một năm giông bão thực sự với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) bởi những biến động khôn lường của giá dầu thế giới.

Một công nhân Iraq vận hành van tại mỏ dầu Nihran Bin Omar.

Một công nhân Iraq vận hành van tại mỏ dầu Nihran Bin Omar.

Ban đầu, một số thành viên trong OPEC đã cố gắng sản xuất vượt mức đẩy lượng dầu dự trữ lên mức cao khiến nhiều nước trong liên minh có tâm lý nới lỏng kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, ngay vào mùa hè năm nay, khi OPEC công bố dữ liệu tiêu thụ dầu thực tế của quý 1 và quý 2 được công bố, nhiều người mới sửng sốt nhận ra nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của OPEC.

Tiếp tục đến cuối năm 2024, khi các thành viên của OPEC và các đồng minh thông báo phải buộc tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng dầu cho đến tháng 1/2025, họ lại vấp phải sự kiện mới: ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Vì vậy, trong báo cáo thị trường dầu vào ngày 12/12, dù không muốn nhưng OPEC đã phải tuyên bố hạ thấp dự báo sự tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và năm 2025. Cụ thể là giảm khoảng 210.000 thùng/ngày so với mức tăng 1,82 triệu thùng/ngày dự báo vào tháng 11, xuống còn 1,61 triệu thùng trong dự báo tháng 12. Lần điều chỉnh này đánh dấu lần hạ nhu cầu dầu toàn cầu thứ 5 trong năm nay. Trong báo cáo, OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc dửng dưng với “vàng đen”

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã đánh một đòn khá nặng nề vào chính sách của OPEC+ khi nhu cầu sử dụng dầu của nước này còn ở dưới mức đã được dự đoán trước đó. Nhiều chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xây dựng và tiêu thụ dầu diesel tại Trung Quốc trong thời gian qua.

Ngoài ra, sự bùng nổ về doanh số bán xe điện (EV) và xe tải sử dụng LNG cũng là một “thẻ đỏ” khiến nhu cầu “vàng đen” tại đất nước tỷ dân không còn nhiều “sân chơi”. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 10,53 triệu thùng dầu/ngày. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp nhập khẩu dầu thô không đạt mức nhập khẩu của cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu trong tháng 10/2024 giảm 9% so với tháng 10/2023 và thấp hơn 2% so với mức nhập khẩu trong tháng 9/2024. Cũng chính vì sự biến động này đã buộc OPEC phải quyết định cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 580.000 thùng/ngày xuống còn 450.000 thùng/ngày. Họ cũng tuyên bố Trung Quốc là nước chiếm phần lớn trong những lần điều chỉnh giảm nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024.

Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho biết sự suy yếu nhu cầu dầu tại Trung Quốc và đà tăng doanh số bán xe điện sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian tới. Ông Birol nhận định năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu yếu hơn rất nhiều so với các năm trước, và tình trạng này là nhu cầu của Trung Quốc suy giảm. Dữ liệu nhập khẩu dầu thô chính thức của Trung Quốc cũng không mấy khả quan đối với OPEC.

Thách thức từ chính quyền Donald Trump

Cơn giông tố từ Trung Quốc chưa qua, OPEC+ lại phải tiếp tục đối mặt với đầy rẫy rủi ro với tương lai ông Trump lên nắm quyền điều hành đất nước cờ hoa. Những rủi ro tiềm ẩn có thể kể đến như ông Trump bày tỏ thái độ vô cùng gay gắt và dự kiến sẽ gia tăng những biện pháp trừng phạt đối với Iran, một quốc gia thành viên của OPEC. Điều này có thể dẫn đến việc nguồn cung dầu từ Iran bị gián đoạn trong thời gian tới khiến giá dầu tăng nếu như nhu cầu vẫn duy trì ở mức đã được dự báo.

Nhưng như đã dự báo nhu cầu về dầu của Trung Quốc nói riêng và nhiều nước lớn nói chung có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức chậm chạm. Nhất là khi ông Trump có thể triển khai kế hoạch thuế quan gay gắt, áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các mức thuế trên có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, khiến nhu cầu dầu giảm tới 500.000 thùng/ngày vào năm 2025. Dữ liệu này hiện đã dự báo hiện tại của công ty phân tích dữ liệu Wood Mackenzie về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới. Ông Simon Flowers, Chủ tịch và Giám đốc phân tích của WoodMac, cho rằng trong kịch bản trên, giá dầu sẽ giảm từ 5-7 USD/thùng so với mức hiện tại, nếu không có những rủi ro khác như việc leo thang xung đột tại Trung Đông.

Mặc dù ông Trump là người ủng hộ ngành công nghiệp dầu khí Mỹ, nhưng theo các nhà phân tích sản lượng dầu của nước này khó có thể tăng mạnh hơn so với hiện tại. Hơn nữa, ông Flowers cũng khẳng định việc áp thuế của chính quyền Trump rất dễ đẩy các nhà sản xuất và các công ty dịch vụ ở Mỹ vào một cái hố đen khi chi phí được đội lên gấp bội.

Trước viễn cảnh tăm tối và thiếu chắc chắn về cả nguồn cung lẫn nhu cầu dầu toàn cầu, OPEC+ được các chuyên gia nhận định có thể phải có những hành động nhanh hơn, thường xuyên hơn trong việc thay đổi chính sách so với dự định để bắt kịp với những biến động toàn cầu.

Tú Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/opec-say-don-truoc-giong-to-toan-cau-i754219/