Chuyên gia đánh giá cao quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém được nhiều chuyên gia đánh giá cao, cụ thể như đảm bảo thanh khoản, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Tại Hội thảo “Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?” do Báo Tiền phong tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 11/4, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã đánh giá cao quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ hệ thống.
PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành công dễ thấy nhất của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam 10 năm vừa qua là bảo vệ người gửi tiền.
“Mục đích lớn nhất của câu chuyện chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không để xảy ra xung đột về lợi ích, quyền lợi. Ở góc độ này, có thể nói là quá trình tái cơ cấu đã rất thành công”, ông Trung nhìn nhận.

Các chuyên gia đánh giá cao quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, giải pháp chuyển giao bắt buộc với các ngân hàng yếu kém là một trong những giải pháp đã được cân, đo, đong, đếm rất nhiều từ các bộ, ban, ngành.
Nhìn lại lịch sử tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ 2011 đến nay, ông Thành cho rằng nỗ lực của cơ quan quản lý chính sách tiền tệ - ngân hàng là rất đáng ghi nhận, bởi quá trình tái cơ cấu đặt ra nhiều thách thức về pháp lý cũng như triển khai áp dụng thực tế cho các trường hợp.
Trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nguồn lực tài chính thực đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đóng vai trò quan trọng, giúp đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Để tiếp tục tái cấu trúc hiệu quả các ngân hàng yếu kém và phòng ngừa phát sinh các trường hợp ngân hàng thương mại có dấu hiệu mất an toàn, ông Thành cho rằng hoạt động thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn cần được đặt ra.
Hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước hướng đến mô hình tập đoàn tài chính, hoạt động không chỉ tập trung vào lĩnh vực tín dụng mà bao gồm cả bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư bất động sản... Vì thế, cơ chế phối hợp giám sát cần chặt chẽ, rộng mở và bao quát hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán (tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn).
Riêng đối với mô hình mới của các ngân hàng đã được tái cơ cấu, các chuyên gia cho rằng cần nhấn mạnh vào yếu tố minh bạch thông tin. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc với các ngân hàng nhận chuyển giao.
Vị chuyên gia này cho rằng nếu bảng cân đối kế toán, kết quả kinh doanh của ngân hàng được chuyển giao không được hợp nhất với báo cáo tài chính của ngân hàng nhận chuyển giao có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho đối tác, khách hàng gửi tiền.