Chuyên gia đánh giá về khả năng diễn biến của các cuộc biểu tình sinh viên ở Bangladesh

Các cuộc biểu tình của sinh viên tại Bangladesh đang dâng cao trong khi các vấn đề sâu xa như chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng vẫn chưa được giải quyết, nên có thể phát triển thành một phong trào chống chính phủ lớn hơn.

Các phương tiện bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước, tại Dhaka, Bangladesh, ngày 18/7/2024. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Các phương tiện bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước, tại Dhaka, Bangladesh, ngày 18/7/2024. Ảnh: Getty Images/ TTXVN

Theo nhận định mới đây của ông M. Niaz Asadullah, Trưởng nhóm Đông Nam Á của Tổ chức Lao động Toàn cầu, Giáo sư thỉnh giảng về kinh tế tại Đại học Reading và là nghiên cứu viên tại Đại học North South ở Bangladesh, cuộc biểu tình của sinh viên tại Bangladesh đã dâng cao trong bối cảnh bạo lực kéo dài và sự bất ổn chính trị gia tăng. Phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao nước này yêu cầu 93% công việc trong khu vực công phải dựa trên năng lực thay vì hệ thống hạn ngạch cũ đã phần nào làm giảm căng thẳng, nhưng các vấn đề cơ bản như tham nhũng vẫn chưa được giải quyết.

Chính phủ Bangladesh đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa cơ sở giáo dục và cắt đứt quyền truy cập internet để dập tắt phong trào, dẫn đến hơn 170 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ bạo lực với sự hiện diện của hàng ngàn cảnh sát cùng lực lượng an ninh. Cuộc nổi dậy này, với những điểm tương đồng với Mùa xuân Arab, phản ánh tình trạng tham nhũng và bất bình đẳng ở nền kinh tế đang phát triển Bangladesh.

Giáo sư Asadullah dự báo, trong khi tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng tiếp tục gia tăng, tương lai chính trị của Bangladesh có thể chứng kiến sự mở rộng của phong trào chống chính phủ, với tác động tiềm tàng đến khu vực và nền dân chủ của quốc gia này.

Kể từ khi nắm quyền vào năm 2009, Liên đoàn Awami của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã không thực hiện đầy đủ các cam kết về việc làm. Mặc dù khu vực công đã mở rộng và lương bổng có tăng lên, nhưng việc tiếp cận các công việc này trở thành vấn đề chính trị nghiêm trọng.

Hệ thống hạn ngạch việc làm, được áp dụng từ năm 1972 và trải qua nhiều thay đổi, gây ra sự bất mãn lớn trong xã hội. Đặc biệt, việc khôi phục hệ thống này vào tháng 6 năm nay đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên toàn quốc, với các sinh viên yêu cầu cải cách và loại bỏ hạn ngạch dành cho con cháu của những người từng tham gia đấu tranh giành độc lập.

Dữ liệu cho thấy tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và phụ nữ Bangladesh đang gia tăng. Hơn một phần ba số sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp trong vòng một hoặc hai năm sau khi ra trường, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ thành thị cao.

Vào ngày 21/7, Tòa án Tối cao đã lật ngược phán quyết trước đó về hệ thống hạn ngạch, yêu cầu 93% công việc chính phủ phải dựa trên năng lực. Điều này đã phần nào giảm bớt sự bất ổn ngay lập tức, nhưng các vấn đề sâu xa như chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng vẫn chưa được giải quyết. Hoạt động trấn áp bạo lực và thiếu vắng một sự ủy nhiệm thực sự từ công chúng đã khiến tình hình chính trị trở nên căng thẳng hơn.

Ông Asadullah kết luận, các cuộc biểu tình hiện tại có thể trở thành một phong trào chống chính phủ lớn hơn, có khả năng dẫn đến sự thay đổi trong nền chính trị Bangladesh. Bangladesh, với lịch sử kéo dài về các cuộc biểu tình của thanh niên, có thể một lần nữa chứng kiến phong trào này bùng phát. Tuy nhiên, như Mùa xuân Arab đã chứng minh, các cuộc nổi dậy không phải lúc nào cũng thành công, và có thể dẫn đến nhiều bất ổn chính trị hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo project-syndicate.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-danh-gia-ve-kha-nang-dien-bien-cua-cac-cuoc-bieu-tinh-sinh-vien-o-bangladesh-20240730203544540.htm