Chuyên gia đánh giá về khả năng tăng trưởng quý III/2021
Một số chuyên gia kinh tế dự báo: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài, GDP quý III/2021 có thể tăng trưởng âm.
TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, dịch đã đánh thẳng vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp lớn trên cả nước như Hải Dương xảy ra tháng 3/2021; tháng 4 - 5/2021 là Bắc Ninh, Bắc Giang và sau đó tháng 7 - 8/2021 là các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Tây và đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh.
“Hàng loạt chỉ số về sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa và hành khách, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động… đã xấu đi nhanh chóng”, TS Võ Trí Thành điểm lại. Nếu quý IV/2021, Việt Nam quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3 - 4%. Đây là mức tăng thấp nếu nhìn vào đà phục hồi và thành công của năm 2020.
Theo TS Võ Trí Thành, khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng những tháng cuối năm cũng như cả năm 2022.
“Ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành khiến GDP quý III/2021 có thể âm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng trong một quý của Việt Nam ghi nhận âm”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết. Theo ông Cấn Văn Lực, dự báo này được đưa ra dựa trên phân tích, đánh giá của 3 trụ cột chính trong tính GDP gồm: Lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. COVID-19 đã ăn sâu, bào mòn “sức khỏe” của ngành dịch vụ, đặc biệt du lịch, lưu trú, nhà hàng, bán lẻ. Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực dịch vụ giảm 4,7% và dự báo quý III/2021 có thể giảm trên 10%.
Mặc dù lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng dương, nhưng cũng chịu tác động mạnh từ đại dịch và sự ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội tại 25 tỉnh, thành phố. Trong tháng 7/2021, ngành công nghiệp gần như không có tăng trưởng và giảm mạnh vào tháng 8/2021. Động lực trụ cột của nền kinh tế đang suy giảm, cần giải pháp cấp bách để vực dậy. Nếu nhìn vào cụ thể các ngành công nghiệp, hầu như tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp chế tạo, chế biến của Việt Nam đều tăng trưởng âm, ví dụ giày dép - 28%, đồ uống – 23%...
Liên quan tới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 với 4 nhóm giải pháp nhưng chưa phải là các giải pháp cụ thể được hiện thực hóa luôn mà mới được giao cho các bộ, ngành phải hoàn thành cuối tháng 9/2021. Vì vậy đối với chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành lưu ý, bên cạnh việc giãn, hoãn, khoanh nợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. NHNN cần giữ ổn định thanh khoản chung của hệ thống, dùng trần tín dụng để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay.
Đối với chính sách tài khóa, theo TS Võ Trí Thành, việc mở rộng phạm vi hỗ trợ gồm người dân và hộ kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh việc giãn, hoãn các khoản thuế phí, thuế đất… cần tính đến việc giảm thuế VAT, thuế thu nhập và lựa chọn những ngành chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19 như lĩnh vực hàng không. “Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay là các giải pháp này có đủ không? quy mô ra sao? thời gian thực hiện thế nào? đặc biệt có chấp nhận mức thâm hụt ngân sách sâu hơn để cứu trợ nhiều hơn và dài hơn không?”, ông Võ Trí Thành băn khoăn.
Bức tranh kinh tế trong quý IV/2021 được Tiến sỹ Cấn Văn Lực đánh giá "bật tăng nhanh trở lại" do lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng sẽ tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được mở cửa trở lại. Mức tăng này phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh theo mô hình mới; đẩy nhanh tiêm vaccine; mở cửa nền kinh tế thi hiệu quả ra sao.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo: GDP năm 2021 tăng 3,5 - 4% theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) "hoàn toàn đạt được". Theo tính toán, nếu muốn tăng trưởng năm 2021 đạt 3,5% thì GDP quý IV/2021 phải tăng gần 5%; còn GDP năm 2021 muốn tăng 4% thì tăng trưởng quý IV phải khoảng 6%. Dự báo lạm phát năm 2021 thấp do sức cầu hiện rất yếu và vòng quay tiền rất chậm. Lạm phát năm 2021 dự kiến tăng khoảng 2,5 - 2,7%.
Để phục hồi kinh tế, sản xuất, một số chuyên gia kinh tế đề xuất 3 vấn đề lớn mà Chính phủ cần lưu tâm là cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng chống dịch COVID-19; lao động gắn với sự dịch chuyển và dòng tiền, tài chính. Chương trình phục hồi kinh tế phải bao gồm: Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, lao động, chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng... "Chính phủ và Quốc hội đưa ra Nghị quyết thì cố gắng đưa ra giải pháp, thay vì phân cấp việc đưa ra giải pháp cho các bộ, ngành theo thời hạn như hiện nay", ông Võ Trí Thành khuyến nghị.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: Chính phủ cần sớm xây dựng, thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong, sau dịch COVID-19. Theo đó, từ nay đến quý I/2022, Chính phủ cần ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp các chính sách vĩ mô (gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh. Đến hết năm 2023, khi COVID-19 đã kiểm soát thì nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô, kích cầu nền kinh tế và tạo thêm sức bật cho doanh nghiệp. “Sau năm 2023, tiếp tục bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách kinh tế sâu rộng. Chính phủ cũng cần đẩy nhanh các gói hỗ tợ người dân, tháo gỡ ngay khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.