Chuyên gia đánh giá về nguy cơ Covid-19 lây lan ở chung cư

Theo chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể phát tán trong các căn hộ chung cư theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Các mầm bệnh cũng có thể lây lan qua cống thoát nước nằm ở sàn.

Thời gian gần đây, một số chung cư tại TP.HCM ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, nhiều trường hợp các căn hộ có người dương tính ở trên cùng trục đứng của một block chung cư.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Văn Hiếu, Phó trưởng Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích một số nghiên cứu về khả năng phát tán virus trong các tòa nhà chung cư tại một số nước trên thế giới, nhằm tìm ra giải đáp cho nghi vấn có hay không sự phát tán của virus bên trong các chung cư, nhà cao tầng.

Phát tán theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang

- Khi có một ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện trong một tòa nhà, các con đường lây nhiễm có thể nghĩ tới là gì, thưa ông?

- Virus SARS-CoV-2 có thể lây thông qua các không gian chung như thang máy, hay gián tiếp tiếp xúc bằng các nút thang máy. Bên cạnh đó, các nghiên cứu của một số nước trên thế giới cũng chỉ ra rằng, các ca nhiễm được phát hiện đều nằm cùng theo một chiều thẳng đứng với ca nhiễm đầu tiên hoặc cùng một tầng.

Hay nói một cách nôm na là theo chiều ngang lẫn chiều dọc hoặc thông qua ống xả hơi đường thoát chất thải.

 PGS.TS Trần Văn Hiếu, Phó trưởng Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Văn Hiếu, Phó trưởng Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nghiên cứu này?

Khi lấy mẫu bệnh tại một chung cư tại Hàn Quốc, các ca nhiễm được phát hiện đều nằm cùng theo một chiều thẳng đứng với ca nhiễm đầu tiên.

Các căn ở tòa chung cư này có lỗ thoát khí tại các phòng tắm thông ra một lối thoát khí chung của tòa nhà. Do đây là chung cư kiểu cũ (xây năm 1988) nên không có hệ thống lưới lọc giữa lỗ thoát khí các căn hộ và hệ thống thoát khí chung. Điều này khiến cho các vi giọt (aerosols) từ các căn hộ khởi phát có thể di chuyển đến các căn hộ khác.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm tác giả đã đặt ra một số giả thiết virus trong phân của các bệnh nhân phát tán mầm bệnh thông qua đường ống thoát chất thải theo hai chiều hướng.

Thứ nhất, virus có thể lây lan thông qua các vi giọt khi người bệnh giật nước bồn cầu. Các vi giọt này sẽ tồn tại khắp phòng vệ sinh gây nhiễm bệnh cho những người cùng sử dụng nhà vệ sinh đó khi chạm vào các bề mặt có giọt bắn.

 Kiến trúc của khu chung cư nơi phát hiện các ca nhiễm theo hai dọc thẳng. Các căn hộ có ca nhiễm (A) và Sơ đồ các tầng (B). Ảnh NVCC.

Kiến trúc của khu chung cư nơi phát hiện các ca nhiễm theo hai dọc thẳng. Các căn hộ có ca nhiễm (A) và Sơ đồ các tầng (B). Ảnh NVCC.

Trường hợp thứ hai, các vi giọt này thông qua ống xả hơi nối với hệ thống xả chất thải nhà vệ sinh của cùng lô trong cùng tòa nhà. Theo chiều dọc, các vi giọt sẽ phát tán và gây bệnh cho người trong chung cư thông qua đường hô hấp.

Kết quả còn cho thấy khả năng lây nhiễm bằng phân đối với dịch bệnh SARS-CoV-2 được dự đoán cao gấp 10 lần so với SARS năm 2002.

- Vậy có mối liên hệ nào về vấn đề lây nhiễm giữa các tòa nhà không?

- Nhằm kiểm chứng vấn đề lây nhiễm giữa các căn hộ trong tòa nhà hay giữa các tòa nhà, nhóm nghiên cứu này đã xây dựng một mô hình gồm 3.000 khối bê-tông, mỗi khối mô phỏng cho một tòa nhà có trung bình 20-25 tầng.

Một máy tạo khói được bố trí để mô phỏng một nguồn phát tán và có các máy đo khối lượng phân tử để xác định khi có các phân tử mục tiêu được tạo ra trong đám khói ngang qua. Đồng thời cũng tạo một mô hình mô phỏng trên máy tính để đối chiếu với kết quả thực nghiệm này.

 Kết quả khi kết hợp hai mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ của chung cư Amoy Gardens, (Hong Kong, Trung Quốc). Ảnh: NVCC.

Kết quả khi kết hợp hai mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ của chung cư Amoy Gardens, (Hong Kong, Trung Quốc). Ảnh: NVCC.

Kết quả khi kết hợp hai mô hình mô phỏng với các thông số từ hai căn hộ của chung cư Amoy Gardens, (Hồng Kông, Trung Quốc) cho thấy, virus có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của tòa nhà và dưới sự có mặt của lực nổi/buoyant (hướng lên) và gió (hướng xuống).

Ngoài ra, virus có chiều hướng phát tán lên trên khi không sử dụng điều hòa và hướng xuống khi bật điều hòa.

Làm sao ngăn chặn sự phát tán virus tại khu chung cư?

- Nguy cơ lây nhiễm virus qua căn hộ chung cư tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

- Các nghiên cứu nêu trên được tiến hành tại các chung cư xây theo mô hình cũ, tức là chủ yếu sử dụng thông gió tự nhiên chứ không phải thông gió cưỡng bức thông qua hệ thống điều hòa trung tâm.

Nên để có câu trả lời này thì đầu tiên cần phải xem lại thiết kế của từng chung cư hay cao ốc để biết được thông gió tự nhiên hay cưỡng bức.

Nếu thông gió tự nhiên thì các nguy cơ xảy ra đã được đề cập phía trên, còn nếu thông gió cưỡng bức thì cũng cần lưu ý vì một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy nguy cơ lây nhiễm trong dạng thông gió này.

Cụ thể, với dạng cưỡng bức tuần hoàn nguy cơ lây lan cao hơn là cưỡng bức một chiều. Vị trí đặt ống cấp và xả khí cũng cho thấy ảnh hưởng. Nếu ống cấp và xả cùng đặt trên trần thì nguy cơ lây nhiễm cao (100%) so với khi ống xả được đặt sát gần sàn (0%).

- Để có thể ngăn chặn sự phát tán trong các khu chung cư, các tòa nhà văn phòng có sử dụng chung hệ thống thông khí hay xả thải, có thể áp dụng các biện pháp nào?

Đầu tiên, nên đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa, chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống/hệ thống thông khí chung.

Tòa nhà cũng có thể sử dụng các tấm lọc HEPA hay ULPA trong trường hợp buộc phải sử dụng hệ thống điều hòa/thông hơi (văn phòng, chung cư vào mùa nóng) hay sử dụng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà.

 Các chuyên gia khuyên người dân thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa để phòng tránh Covid-19. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Các chuyên gia khuyên người dân thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa để phòng tránh Covid-19. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Cư dân ở chung cư hãy tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ nếu có thể và kiểm soát độ ẩm (độ ẩm vào khoảng 40-60%). Hàng ngày, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, các lỗ thông gió/thông hơi, các vị trí thoát nước trong nhà vệ sinh.

- Trường hợp bản thân là F0 đang ở chung cư điều trị tại nhà, cần phải làm gì để hạn chế lây lan cho người khác?

- Trong trường hợp bản thân là F0 điều trị tại chung cư cần báo cho ban quản trị biết để họ định vị vị trí căn hộ trong toàn bộ chung cư để có biện pháp phối hợp ngăn ngừa.

Với bản thân, người nhiễm bệnh tuyệt đối không đi ra khu vực thông gió chung của tầng. Ngưng sử dụng các hệ thống thông khí hoặc hút mùi nếu chưa biết rõ nó sẽ dẫn đi đâu nhưng có thể mở cửa sổ phía ngoài trời.

F0 cần báo cho các căn hộ cùng vị trí ở các tầng liền kề bịt lỗ thoát nước ở sàn hoặc cho thoát một chiều bằng ống chặn mùi hôi, đậy nắp bồn cầu trước khi giật nước. Khử khuẩn rác trước khi chuyển ra bên ngoài cửa và tuyệt đối không đi ra khỏi căn hộ để bỏ rác.

Điều cần lưu ý tiếp theo là đeo khẩu trang toàn thời gian và sinh hoạt trong một phòng duy nhất để tránh lây lan trong chính những người trong nhà. Ngoài ra, thực hiện theo các hướng dẫn điều trị của HCDC và Bộ Y tế.

Vừa qua, chung cư Vạn Đô (quận 4) phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sống ở các căn hộ nằm gần nhau, có cửa thông gió cùng hành lang hoặc nằm cùng trục ở trên và dưới. Cư dân ở đây được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

Tại chung cư Lexington (TP Thủ Đức) đang cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra. Ban quản lý khuyên các hộ nên mở quạt hút nhà vệ sinh 5-10 phút trước khi mở cửa vào để làm loãng không khí, đổ nước vào phễu thoát sàn của ban công, sàn nhà vệ sinh để giảm khí bẩn và mùi cống thoát ra xung quanh.

Cụm nhà chung cư Tam Phú, TP Thủ Đức cũng phát hiện nhiều ca dương tính cùng block, cùng trục đứng. Nhóm căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-danh-gia-ve-nguy-co-covid-19-lay-lan-o-chung-cu-post1249965.html