Chuyên gia đề xuất 'điện hóa' xe rác, xe bưu điện

Chuyển đổi xanh được đánh giá là con đường tất yếu trong sản xuất, trong phát triển kinh tế. Với ngành giao thông vận tải, chuyển đổi xanh đang cho thấy vai trò quan trọng. Do đó, việc chuyển đổi sử dụng xe điện cho tất cả các hệ thống, dịch vụ giao thông công cộng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho mục tiêu chuyển đổi xanh giao thông vận tải.

Tại sự kiện phát động chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam – Vì tương lai xanh” do Vinfast tổ chức sáng 26/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành cho rằng, việc chuyển đổi các dòng phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả và mang ý nghĩa thực tiễn đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Nhất là khi gánh nặng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, đang từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.

Chính phủ rất quyết tâm với vấn đề chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải. Theo Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, mục tiêu đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đơn cử, là một trong những điểm nóng về ô nhiễm không khí, Hà Nội đã cho thấy những quyết liệt trong thực hiện giao thông xanh. Mới đây thành phố dự kiến chi hàng chục nghìn tỷ đồng từ nay đến năm 2030 đầu tư xe buýt xanh.

Theo phương án thay thế, đầu tư mới xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất ba kịch bản. Kịch bản một là 100% xe buýt điện. Kịch bản hai, đến năm 2026 – 2030 sẽ có 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG. Kịch bản ba, sẽ có 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2025 – 2030 là 2.072 xe (kịch bản một), 1.807 xe (kịch bản hai), 1.694 xe (kịch bản ba).

Về vốn đầu tư cần bố trí theo kịch bản một, tổng chi phí cần hơn 52.000 tỷ đồng. Với kịch bản hai, cần hơn 47.000 tỷ đồng, trong khi kịch bản ba cần hơn 43.000 tỷ đồng.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đánh giá, trong số các kịch bản mà thành phố dự kiến, kịch bản sử dụng 100% xe buýt điện là thể hiện sự quyết tâm nhất, tốt nhất cho môi trường. Bởi thực tế, việc chuyển đổi phương tiện sang dùng khí tự nhiên, tuy sạch hơn nhưng thực chất chỉ là đổi từ loại nhiên liệu hóa thạch này sang loại nhiên liệu hóa thạch khác.

“Tôi cho rằng không chỉ xe bus, xe taxi mà tất cả các phương tiện công cộng nên chuyển sang xe điện. Ví dụ như xe rác, nếu chuyển sang xe điện thay vì thu gom như hiện nay sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng năng suất lao động, phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường… Ngoài ra còn có xe bưu điện, lực lượng shipper - với số lượng lớn như hiện nay nếu cũng sử dụng xe điện sẽ được người dân đồng tình”, ông Tùng nói.

Theo vị chuyên gia môi trường, chính quyền có thể thể hiện sự quyết tâm chuyển đổi xanh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông thân thiện môi trường thông qua những cơ chế cụ thể.

Học tập kinh nghiệm tại Hà Lan, chính quyền cho phép xe taxi sử dụng điện sẽ được ưu tiên không phải xếp hàng. Hay tại Trung Quốc, những người muốn dùng xe xăng/dầu phải bắt thăm xổ số, trong khi mua xe điện sẽ dễ dàng hơn. Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cũng như hệ thống xe buýt và sân bay công cộng.

Chuyển đổi xanh - Mệnh lệnh sống còn

Tại sự kiện sáng 26/6, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đánh giá phát triển xanh là một sứ mệnh lịch sử - thời đại, là nhiệm vụ có tính toàn cầu. Đây là mệnh lệnh sống còn đặt ra cho mọi quốc gia, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới, mục tiêu ‘Zero Carbon 2050’ là một trong số đó. Cam kết này hàm nghĩa đây là thời điểm Việt Nam cần và phải tăng tốc chuyển đổi xanh để đạt mục tiêu.

Ông Trần Đình Thiên bày tỏ quan ngại, nếu không có sự chuyển dịch mạnh mẽ thì Việt Nam khó hoàn thành cam kết, sẽ rơi vào thế tụt hậu và đứng bên lề cuộc đua tranh phát triển.

“Chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp. Nó cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, của mỗi người dân…”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chuyen-gia-de-xuat-dien-hoa-xe-rac-xe-buu-dien-1100649.html