Chuyên gia đề xuất sử dụng vật liệu thân thiện với năng lượng và môi trường
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng và một số trường ĐH Hàn Quốc tổ chức Hội thảo 'Carbon và vật liệu thân thiện với năng lượng và môi trường'.
Ngày 22/2, Trường ĐH Kỹ thuật Sư phạm, ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Carbon và vật liệu thân thiện với năng lượng và môi trường” lần thứ 3 – CMEE 2024.
Đây là hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng và ĐH Quốc gia ChungBuk, ĐH Seoul, Hiệp hội Công nghệ sạch Hàn Quốc, Viện Kỹ thuật Hóa học Hàn Quốc đồng tổ chức.
Hội thảo đã quy tụ hơn 250 nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, doanh nhân đến từ 70 tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng; ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Quốc gia Pusan,ĐH Quốc gia Kyungpook, ĐH Kyung Hee, ĐH Sungkyunkwan – Hàn Quốc; ĐH Khalifa – UAE; ĐH Quốc gia Cheng Kung – Đài Loan; ĐH COMSATS Islamabad – Pakistan; ĐH Malaysia Terengganu – Malaysia… Có tổng cộng 168 bài báo đã được chọn để đưa vào kỷ yếu của Hội thảo lần này.
Tại phiên toàn thể của Hội thảo được điều hành bởi GS. See Hoon Lee – Đại học quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc, có 2 báo cáo gồm: “Cơ chế kiểm soát tế bào gốc thực vật và tác động đến năng suất cây trồng” của GS Tejraj M. Aminabhavi và “Giám sát sức khỏe hành tinh ở Bắc Cực” do GS Christian Sonne trình bày.
Các đại biểu tham dự đã đưa ra những đánh giá khách quan, những phân tích, nhận định chuyên sâu và đa chiều, trên cơ sở đó, xây dựng các giải pháp và tìm kiếm các cơ hội liên quan hướng đến việc xây dựng môi trường sống xanh và thân thiện trong thời đại hiện nay.
Hội thảo khoa học quốc tế “Carbon và vật liệu thân thiện với năng lượng và môi trường” lần thứ 3 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính chất toàn cầu như: biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt với tình trạng lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng như hiện nay, Hội thảo được kỳ vọng sẽ là một hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức của các đại biểu tham gia nói riêng và toàn xã hội nói chung liên quan đến lĩnh vực phát triển vật liệu thân thiện, môi trường xanh ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
PGS.TS Nguyễn Lê Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: "Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới COP26 năm 2021. Tháng 7/2022, Việt Nam đã ban hành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Quyết định số 896 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, hướng dẫn hành động khí hậu của Việt Nam đến năm 2050. Thực hiện cam kết quốc gia, các trường đại học tại Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến vật liệu cho năng lượng xanh và môi trường tạo ra kết quả công bố uy tín trong những năm gần đây.
Với 17 chương trình đào tạo ĐH như công nghệ vật liệu, kỹ thuật hóa học và môi trường, bình quân hàng năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuât, ĐH Đà Nẵng có hơn 40 công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín (WoS/Scopus) liên quan đến các chủ đề, nội dung của Hội thảo CMEE 2024.