Chuyên gia dự báo diễn biến giá vàng trước thương chiến toàn cầu
Mặc dù có điều chỉnh, song giá vàng vẫn ở mức trên 3.000 USD và dự báo còn tăng trước thương chiến toàn cầu căng thẳng do chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy giá vàng thế giới đã rời đỉnh lịch sử 3.160 USD/ounce, nhưng hiện vẫn neo trên 3.100 USD/ounce. Sức nóng của vàng vẫn lan tỏa khi tâm lý nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn an toàn này cho đồng vốn trước tình hình thương chiến toàn cầu leo thang và sức khỏe USD suy yếu, trước chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 19% (tăng hơn 500 USD kể từ đầu năm 2025). Tuy nhiên, Bank of America dự báo giá vàng có thể tăng lên 3.500 USD/ounce vào năm 2027. Nhưng Bank of America không phải là ngân hàng duy nhất nâng cao kỳ vọng. Goldman Sachs dự báo, giá vàng tăng lên mức 3.300 USD/ounce vào cuối năm nay. Thậm chí, có nhà phân tích còn dự báo tiềm năng lên 4.000 USD/ounce nếu căng thẳng địa chính trị leo thang.
Ông Abel Lim, Giám đốc tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định, vàng có thể đóng vai trò là tài sản đa dạng hóa và hàng rào phòng vệ trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng như những bất ổn trên thị trường. Nhìn chung, nhu cầu dài hạn đối với vàng như một tài sản trú ẩn an toàn được kỳ vọng sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Ông dự báo, giá vàng có thể tăng lên 3.200 USD/ounce trong thời gian tới.
Mặt khác, lạm phát có nguy cơ gia tăng do thuế quan làm tăng chi phí đầu vào, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, thì động thái này cũng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại có lợi đối với vàng.
Dẫu vậy, Abel Lim khuyến nghị nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng sinh lời của kênh đầu tư này, do giá vàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua.
Cũng theo ông Abel Lim, chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ bị chi phối bởi các tác động kinh tế và lạm phát từ các chính sách của Tổng thống Trump. Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thận trọng theo dõi diễn biến lạm phát và thương mại để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp.
Về diễn biến sức khỏe USD, ông Abel Lim cho rằng, những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của USD gần đây. Mỹ hiện vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, khiến USD phục hồi trong quý II/2025 trước khả năng giảm trở lại vào quý III/2025.
Với thị trường trong nước, các yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND là triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo ổn định tỷ giá.
Thị trường ngoại tệ trong nước đã có những phản ứng mạnh trước công bố mức thuế suất hàng nhập khẩu vào Mỹ. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD khá mạnh trong sáng 3/4, lên 26.000 đồng/USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, một yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá là USD yếu hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng khiến lợi suất thực tế của Mỹ giảm. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã lao dốc xuống mức 102 điểm trong phiên giao dịch ngày 4/4/2025. USD đã giảm so với rổ tiền tệ chính, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng so với euro, yên Nhật.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) nhận định, VND đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi châu Á trong 3 năm qua, chịu tác động từ môi trường USD mạnh. Mặc dù biến động thị trường vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, VCBS nhận định, thị trường ngoại hối trong năm 2025 có thể ghi nhận những yếu tố tích cực nhờ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho dòng tiền đầu tư vào những quốc gia có nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó có Việt Nam.