Kế hoạch kinh doanh của ACB có bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ?

Ngày 8-4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ), trình kế hoạch kinh doanh trong năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái.

Tại đại hội, nhiều cổ đông lo lắng về tác động của chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của ACB trong năm 2025.

 Ngân hàng ACB giữ nguyên kế hoạch kinh doanh dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ảnh: T.L

Ngân hàng ACB giữ nguyên kế hoạch kinh doanh dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ảnh: T.L

Trả lời cổ đông, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho rằng: Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ngay khi chính sách thuế quan của Mỹ được công bố, ACB đã tiến hành rà soát tổng thể lại danh mục về khách hàng của mình và nhận thấy danh mục tín dụng của ACB khá đặc thù.

Trong đó, tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân lên đến 65% trên tổng dư nợ, dư nợ với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 29%. Đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, thường chiếm tới 50% tổng quy mô tín dụng toàn thị trường, nhưng tại ACB nhóm khách hàng này chỉ chiếm đâu đó khoảng 9% trên tổng danh mục cho vay.

"Đánh giá ban đầu, chúng tôi thấy rằng các chính sách thuế mà Mỹ vừa đưa ra chưa có ảnh hưởng sâu sắc đến danh mục khách hàng cho vay của ACB. Do đó, dù thị trường đang tồn tại những khó khăn thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, song chúng tôi vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16-18%”, ông Phát khẳng định.

Một vấn đề khác cũng được các cổ đông đặc biệt quan tâm đó là việc kiểm soát tình trạng nợ xấu.

Trao đổi với cổ đông về lo lắng này, ông Từ Tiến Phát cho biết: Hầu hết các khoản vay của ACB đều có bất động sản là tài sản thế chấp. Tỉ lệ cho vay bất động sản tại ACB chỉ có 53%, trong đó có đến 98% khoản vay đều có tài sản đảm bảo, và chỉ có 2% là cho vay tín chấp. Ngay trong quý 1 năm nay, nợ xấu tại ACB đã giảm nhẹ, hiện chỉ có 1,34%, giảm từ mức 1,39% vào cuối năm ngoái. Trong đó nợ xấu của doanh nghiệp lớn hầu như không đáng kể, chỉ có 1-2 khoản nợ xấu mà thôi. Riêng về lợi nhuận, trong 3 tháng đầu năm nay chúng tôi đã hoàn thành đâu đó khoảng 20% kế hoạch cả năm".

Liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2024 và còn lại từ các năm trước chưa chia là gần 23.634 tỉ đồng. Hội đồng quản trị Ngân hàng dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng tỉ lệ chia cổ tức này cho năm 2025.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ke-hoach-kinh-doanh-cua-acb-co-bi-anh-huong-boi-chinh-sach-thue-cua-my-post843172.html