Chuyên gia dự báo lập trường của Trung Quốc với Iran trong đàm phán hạt nhân

Các chuyên gia cho rằng vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đứng về phía Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) hay không bởi liên minh chính trị của hai nước vẫn chưa bền vững.

Quốc kỳ Iran trước tòa nhà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna (Áo). Ảnh: CNBC

Quốc kỳ Iran trước tòa nhà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna (Áo). Ảnh: CNBC

Kênh CNBC (Mỹ) cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ đã khởi động vào ngày 29/11 khi hai nước tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.

Ông Asif Shuja tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Vấn đề xảy ra giữa Mỹ và Iran nhưng Iran đã cố gắng lấy lòng các nước trong nhóm P5+1 và Mỹ cũng làm điều tương tự. Quan điểm của những quốc gia này không chắc chắn, có thể thay đổi”.

Gần đây, Trung Quốc dường như công khai ủng hộ Iran. Vào ngày 29/11, phái đoàn của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đã đăng trên mạng xã hội Twitter yêu cầu Mỹ nới lỏng mọi lệnh trừng phạt không nhất quán với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai chỉ trích Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 29/11, người phát ngôn này nhấn mạnh: “Mỹ là thủ phạm của khủng hoảng hạt nhân Iran. Nước này cần dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran cũng như bên thứ ba, trong đó có Trung Quốc”.

Ông Behnam Ben Taleblu tại tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) đánh giá Trung Quốc đã tiếp tục thể hiện là "tiếng nói mở rộng" cho một số yêu cầu của Iran. Ông cho rằng thành công hoặc thất bại của chiến lược Mỹ đối với Iran dựa vào mối quan hệ Washington-Bắc Kinh.

Dường như Nga và Trung Quốc đứng về phía Iran nhưng mọi thứ có thể thay đổi khi họ gặp trực tiếp. Ông Shuja phân tích: “Có khả năng thay đổi lập trường, bởi khi mọi người gặp trực tiếp, sẽ có nhượng bộ lẫn nhau”. Ông đề cập đến việc Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong năm 2006, cùng với nhiều thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Shuja nói thêm: “Đối với Iran, Nga và Trung Quốc là quan trọng nhất. Nhưng nếu bạn nhìn vào Nga và Trung Quốc thì Iran không phải đối tác quan trọng nhất”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-du-bao-lap-truong-cua-trung-quoc-voi-iran-trong-dam-phan-hat-nhan-20211204164603134.htm