Chuyên gia dự đoán thời điểm kết thúc đại dịch Covid-19
Thế giới sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường trong vòng một năm nữa, và mọi người sẽ phải tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 hàng năm.
Phần lớn Auckland đã đóng cửa trong khi phần còn lại của New Zealand đang bị áp các hạn chế cấp độ 2. Bên kia biển Tasman, Queensland và Tây Australia cũng trong cảnh tương tự. Sydney bị phong tỏa kể từ cuối tháng 6, còn Melbourne hiện là thành phố đóng cửa lâu nhất toàn cầu.
Trong khi đó ở Na Uy, các cuộc ăn mừng diễn ra náo nhiệt khắp nơi, đánh dấu những hạn chế nghiêm ngặt suốt hơn 1 năm qua được dỡ bỏ. "Đã 561 ngày trôi qua kể từ khi chúng tôi triển khai các biện pháp cứng rắn nhất ở Na Uy trong thời bình. Bây giờ đã đến lúc trở lại cuộc sống thường nhật", chính phủ nước này thông báo.
Quyết định trên được Na Uy đưa ra sau khi Đan Mạch loại bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào đầu tháng 9. Anh cũng tận hưởng sự tự do vừa quay trở lại, với các trường học và nơi làm việc tái mở cửa, và khách du lịch tấp nập kéo đến London.
Nhiều nước khác có tỷ lệ tiêm chủng cao đang cân nhắc mở cửa hoàn toàn trở lại, hứa hẹn cuộc sống sôi động như hồi năm 2019 khi dịch bệnh chưa xuất hiện.
Trong vòng một năm nữa
Viễn cảnh đó sớm hay muộn sẽ thành hiện thực.
Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer, đã tham gia chương trình thời sự "Tuần này" của đài Mỹ ABC hôm 26/9. Ông nói về cách thức thế giới sẽ sống chung với Covid-19, và nhận định cuộc sống bình thường có thể quay trở lại "trong vòng một năm nữa".
Tuy vậy, Albert Bourla vẫn cảnh báo: "Tôi không nghĩ như thế có nghĩa là các biến thể sẽ không tiếp tục xuất hiện. Và tôi cũng không cho rằng chúng ta có thể tiếp tục sống mà không cần tiêm phòng".
Theo ông, các chiến dịch tiêm phòng diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu hiện nay là chìa khóa để con người sống chung với Covid-19, và điều cốt yếu là các liều vắc xin cần có hiệu quả lâu hơn, tiêu diệt được các chủng virus hiện thời và trong tương lai.
"Với tôi, kịch bản có thể xảy ra nhất là chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các biến thể mới xuất hiện, và chúng ta sẽ có vắc xin có hiệu quả bảo vệ trong ít nhất một năm", Bourla nói
Cùng quan điểm với ông Bourla, Tổng giám đốc điều hành hãng dược Moderna Stephane Bancel cho rằng đại dịch có thể kết thúc "trong vòng một năm kể từ hôm nay". Trả lời phỏng vấn tờ báo Neue Zuercher Zeitung của Thụy Sĩ, ông Bancel lập luận, tăng cường sản xuất các loại vắc xin sẽ đảm bảo đủ số lượng cho thế giới vào giữa năm 2022.
Ông nói thêm, tiêm vắc xin cho trẻ em sẽ góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ông nhấn mạnh hãy tiêm ngừa và hưởng thụ cuộc sống, nếu không sẽ có "nguy cơ nhiễm bệnh và có thể phải kết thúc cuộc đời trong bệnh viện".
Vì sao cần tiêm mũi tăng cường?
Đối với hai ông chủ của Pfizer và Moderna, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là sẽ cần đến vắc xin Covid-19 hàng năm, gần giống với vắc xin cúm mùa được tiêm thường kỳ.
Giới chức Mỹ gần đây đã đồng ý tiêm mũi vắc-xin Pfizer bổ sung cho người già và các nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn như nhân viên y tế.
Nhiệm vụ khổng lồ phía trước
Tính đến nay, 44,4% dân số thế giới đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo vẫn rất lớn. Các nước có thu nhập cao và trên trung bình đạt tỷ lệ khoảng 60%, trong khi các nước thu nhập thấp là 30%, thậm chí có nơi chỉ vài phần trăm, theo số liệu của Our World in Data.
Tỷ lệ tiêm chủng ở các nước nghèo nhất thế giới ở mức thấp nguy hiểm. Chẳng hạn, ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Haiti, chưa đầy 1% dân số được tiêm ngừa Covid-19, theo Reuters.
Tại hội nghị Covid-19 do Nhà Trắng chủ trì hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã cùng cam kết sẽ hợp tác hướng tới mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tiêm ngừa cho 70% dân số thế giới vào tháng 9 năm tới.
"Nhiều nước và các bên liên quan đã công bố ý định hỗ trợ vắc xin và tài chính cho các chương trình tiêm chủng để đảm bảo vắc xin được tiêm trên toàn thế giới", Nhà Trắng nhấn mạnh trong một thông cáo.
Mỹ cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc-xin để tặng cho các quốc gia cần chúng, nâng tổng số vắc xin viện trợ của nước này lên 1,1 tỷ liều. "Để đánh bại đại dịch ở đây, chúng ta cần phải đánh bại nó ở mọi nơi khác", Tổng thống Joe Biden khẳng định. "Đây là một cuộc khủng hoảng mà tất cả phải chung tay ứng phó".