Chuyên gia: Giá dầu thô có thể tiếp tục biến động mạnh
Trong một bình luận gửi AFP hôm thứ Tư, ông Wael Makarem - Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường Tài chính tại Exness - nhận định rằng giá dầu thô kỳ hạn 'vẫn đang chịu áp lực', và cảnh báo giá dầu 'có thể tiếp tục biến động mạnh' trong thời gian tới.

Hình minh họa
“Giá dầu yếu đi hiện nay phản ánh những lo ngại ngày càng lớn về nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác, bao gồm cả Liên minh châu Âu, đang leo thang”, ông Makarem cho biết.
Ông nói thêm: “Những căng thẳng này làm dấy lên lo ngại kinh tế sẽ chững lại, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu”.
Ông cũng lưu ý rằng cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC đều đã hạ dự báo về nhu cầu dầu trong năm 2025, và điều này đang gây áp lực lên giá dầu.
Về phía nguồn cung, ông Makarem cho biết OPEC+ đang tiếp tục nới lỏng cắt giảm sản lượng, làm nguồn cung dầu tăng lên, từ đó gây thêm áp lực giảm giá.
“Từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm khiến các nhà máy lọc dầu tại châu Á tích cực nhập hàng để dự trữ. Nếu giá tiếp tục ở mức thấp, xu hướng này có thể kéo dài, qua đó hỗ trợ phần nào cho giá dầu”, ông nói thêm.
Theo ông Makarem, “nếu OPEC quyết định ngừng tăng sản lượng vào cuối năm nay, điều đó có thể giúp hạn chế rủi ro giá dầu giảm sâu hơn nữa”.
Ông nhận định các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các điều chỉnh chính sách từ những nước khai thác dầu lớn, cũng như diễn biến đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU.
Trong một bình luận thị trường khác gửi hôm thứ Sáu, ông Li Xing - chuyên gia tư vấn chiến lược thị trường tài chính tại Exness - cho rằng việc Mỹ chậm đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Đồng thời, kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng khi nhu cầu trong mùa hè giảm cũng đang tạo thêm áp lực lên giá.
Trong khi đó, báo cáo của Stratas Advisors gửi đến AFP hôm thứ Hai cho thấy giá dầu Brent khép lại tuần ở mức 69,23 USD/thùng, giảm so với mức 70,36 USD/thùng của tuần trước. Giá dầu WTI cũng giảm còn 67,31 USD/thùng, từ mức 68,45 USD/thùng trước đó.
“Đầu tuần trước, chúng tôi từng dự báo giá dầu có thể tăng nếu Tổng thống Trump công bố các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với dầu Nga”, báo cáo của Stratas nêu rõ.
“Tuy nhiên, mặc dù ông Trump đã đưa ra tuyên bố liên quan đến trừng phạt, nhưng lại kèm theo thời hạn 50 ngày để Nga đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine trước khi các biện pháp này chính thức có hiệu lực”, báo cáo bổ sung.
Vì vậy, theo Stratas, tuyên bố này chưa đủ để ảnh hưởng mạnh đến giá dầu, dù có đề cập đến khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những nước nhập khẩu dầu Nga.
Nhà Trắng, OPEC, người phát ngôn chính của Ủy ban châu Âu, Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine hiện chưa bình luận về chủ đề này.
Dự báo giá dầu từ EIA
Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) mới nhất được công bố đầu tháng này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ đạt 68,02 USD/thùng trong quý III năm nay, giảm còn 64,02 USD/thùng trong quý IV. Sang năm 2026, giá được dự báo sẽ tiếp tục giảm: 60 USD/thùng trong quý I, 59 USD/thùng quý II, 58 USD/thùng quý III và 57 USD/thùng quý IV.
Trung bình cả năm 2025, giá dầu Brent được dự báo ở mức 68,89 USD/thùng, và sẽ giảm xuống còn 58,48 USD/thùng trong năm 2026.
Đối với dầu WTI, EIA dự báo giá trung bình là 64,69 USD/thùng trong quý III/2025, giảm còn 60,02 USD/thùng trong quý IV. Trong năm 2026, giá tiếp tục giảm dần: 56 USD/thùng trong quý I, 55,67 USD/thùng quý II, 54,68 USD/thùng quý III và 53 USD/thùng quý IV.
Trung bình cả năm 2025, giá dầu WTI được dự báo ở mức 65,22 USD/thùng và giảm xuống còn 54,82 USD/thùng trong năm 2026.