Chuyên gia: Giá gạo quá cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chuyên gia cho rằng giá gạo lập đỉnh như hiện nay là quá cao sẽ tiểm ẩn rủi ro rất lớn. Doanh nghiệp không dám trữ hàng nếu không có hợp đồng.
Ngày 3-11, tại Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và BizLIVE phối hợp tổ chức hội thảo thường niên Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Công thương, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng thời, theo VFA, tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, gạo Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.
Nhận diện thị trường lúa gạo 2023-2024, ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty lương thực Phương Đông cho rằng chúng ta đừng kỳ vọng giá gạo lập đỉnh, lập kỷ lục vì thời gian mới ba tháng. Việc lập giá cao có mặt trái là mất thị trường, bởi thực tế vừa qua Philippine chuyển qua mua gạo của Thái rất nhiều vì giá hợp lý hơn.
Theo ông Việt Anh, ngành gạo mấy năm nay không phải giải cứu là vì giá gạo của chúng ta hợp lý chứ không phải giá cao.
“Giá đỉnh như hiện nay là quá cao sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Các doanh nghiệp (DN) hiện giờ không dám trữ hàng vì khi Ấn Độ quay lại thì giá sẽ lao dốc nhanh. Ở giai đoạn này hơi khó kinh doanh với các DN, các thương lái cũng vậy, họ không dám trữ hàng trong kho nếu không có hợp đồng” – ông Việt Anh nói
Ông cũng chia sẻ, các nhà phân tích đưa ra nhận định lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ tới tháng 3 hoặc tháng 5 năm sau sẽ dỡ. Vì vậy, sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của thì mặt bằng giá gạo sẽ giảm sâu. Tuy nhiên, về lâu dài ngành gạo sẽ “lên hương”, không còn chuyện gạo giá rẻ nữa.
Theo ông Việt Anh, một số giống lúa gạo bà con nên xuống giống cho những mùa vụ tới, ngoại trừ 504 vẫn có thị trường tốt với Indonesia, Malaysia; các giống có thị trường tốt các năm qua là OM18, Đài Thơm 8, 5451, cao cấp hơn chút là Nàng Hoa; gạo ST phục vụ cho thị trường nội địa và phục vụ chính cho thị trường chính Trung Quốc.
Bà Trần Thanh Bình – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đang nghiên cứu, sửa Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong đó bà Bình lưu ý sẽ tập trung 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất là chế tài đối với thương nhân tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu gạo. Việc này giúp cho DN hoạt động thực sự, tâm huyết sẽ có cạnh tranh công bằng hơn so với DN làm gạo chưa thực chất. Bộ Công thương sẽ siết chặt chế tài đối với DN xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Hai là điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là nội dung mới. Theo đó, DN phải có hợp đồng liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu. Bộ Công thương đang nghiên cứu, đánh giá lợi ích hài hòa giữa DN, người trồng lúa và cơ quan quản lý để nhận định xem có khả năng đưa quy định này vào hay không. Quy định này DN chịu ảnh hưởng lớn nhất nên bà cho rằng DN cần xem xét có ý kiến về việc có đưa vào điều kiện bổ sung này hay không.
Ba là xúc tiến thương mại, sẽ hướng đến xây dựng khung để tạo điều kiện cho các DN ổn định thị trường đối tác mà không phụ thuộc vào 1-2 đầu mối thương mại như trước đây.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-gia-gao-qua-cao-se-tiem-an-nhieu-rui-ro-post759754.html