Chuyên gia giải mã mức thuế mới 46% của Mỹ và gợi ý 'liều thuốc' cho Việt Nam
Trước tác động trực tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng một cơ chế dự báo và ứng phó khủng hoảng kinh tế đủ tầm để bảo vệ nền kinh tế quốc gia.
Trước những diễn biến mới từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, PLO đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế có nhiều năm nghiên cứu về thương mại quốc tế và kinh tế Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Trí Hiếu đã chỉ rõ căn nguyên của vấn đề, nhận định mức độ tác động đến nền kinh tế trong nước, cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn, đồng thời đề xuất những giải pháp chiến lược mà Việt Nam cần triển khai nhằm thích ứng và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Chủ động ứng phó với tình hình mới
- Phóng viên: Thưa ông, động thái áp thuế đối ứng lần này của Mỹ có phải là một cú sốc bất ngờ hay đã nằm trong dự liệu của giới kinh tế cũng như nhà hoạch định chính sách của Việt Nam? Việt Nam cần nhìn nhận và có những hành động như thế nào trước tác động này trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Động thái áp thuế mới của Mỹ có thể xem là một diễn biến bất ngờ và tạo ra những thách thức đáng kể cho Việt Nam, cũng như có thể gây ra những điều chỉnh nhất định trong hoạch định chính sách. Mặc dù trong quá trình tranh cử, đã có những tín hiệu về khả năng điều chỉnh thuế quan đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và Việt Nam cũng đã có những bước chuẩn bị nhất định.
Tuy nhiên, mức thuế quan lên đến 46% và phạm vi áp dụng rộng rãi cho 90% các loại hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ là một yếu tố có thể vượt ngoài những dự đoán ban đầu. Điều này càng trở nên đáng chú ý khi Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà ông Trump từng đề cập.

Trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển tích cực và đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện, việc Mỹ đồng thời đưa ra mức thuế suất đáng kể như vậy cho thấy một cách tiếp cận thực dụng trong chính sách thương mại của họ.
Như tôi đã chia sẻ, trong quan hệ kinh tế quốc tế, các quốc gia thường hành động dựa trên lợi ích quốc gia. Việc Mỹ ca ngợi quan hệ với Việt Nam đồng thời áp dụng các biện pháp thương mại cho thấy rằng, dù mối quan hệ chính trị có tốt đẹp, các quyết định kinh tế vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các cân nhắc về lợi ích kinh tế. Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và có những đánh giá, điều chỉnh chính sách một cách phù hợp để ứng phó với tình hình mới.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế
- Phóng viên: Chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ tác động như thế nào đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ? Chúng ta có cần lưu ý đến khả năng xuất hiện những tác động lan tỏa đến chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác liên quan hay không?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Có thể dự đoán chính sách này sẽ tạo ra những thách thức đáng kể. Trước hết, cần nhìn vào tình hình ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ. Năm 2024, Mỹ là một nền kinh tế tiêu thụ lớn với thâm hụt thương mại toàn cầu lên đến 1,25 nghìn tỉ USD.
Trong số các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc, với mức xuất siêu đạt 124 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ chỉ khoảng 10% so với lượng xuất khẩu sang Mỹ. Sự chênh lệch quá lớn này đã đặt Việt Nam vào vị trí dễ bị tổn thương khi Mỹ tìm cách giảm thâm hụt thương mại.
Khi mức thuế suất 46% được áp dụng, giá hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có khả năng sẽ điều chỉnh tăng lên. Ví dụ, nếu giá một mặt hàng là 100 USD, nhà phân phối Mỹ sẽ phải nộp thêm 46USD thuế cho chính phủ Mỹ, đẩy giá bán lẻ lên 146 USD. Mức tăng này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ cân nhắc các lựa chọn sản phẩm tương tự từ các quốc gia khác có mức giá cạnh tranh hơn, bao gồm các nước Đông Nam Á khác, Mexico, hoặc thậm chí quay lại với hàng hóa từ Trung Quốc nếu mức thuế phù hợp hơn. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ suy giảm thị phần cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và cơ hội việc làm.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo minh bạch và thu hút FDI chất lượng cao là cần thiết. Ảnh: QH
Về khả năng tác động hiệu ứng domino, tôi cho rằng đây là một yếu tố cần được quan tâm. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động của thuế quan từ Mỹ đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, với mức thuế 46% áp dụng cho phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, bất kể nguồn gốc sản xuất, lợi thế này có thể sẽ giảm đi.
Điều này cho thấy có sự nhận thức về vai trò tiềm năng của Việt Nam trong việc trung chuyển hàng hóa, và chính sách này có thể là một động thái nhằm quản lý cả hai hướng.
Do đó, các doanh nghiệp hiện đang sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ phải đánh giá lại chiến lược hoạt động của mình, bao gồm cả việc xem xét các địa điểm sản xuất khác có môi trường thuế quan thuận lợi hơn, ổn định hơn và ít rủi ro hơn về chính sách thương mại.
Sự điều chỉnh này có thể gây ra những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, có khả năng làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tác động đến thị trường lao động và sự phát triển kinh tế nói chung của Việt Nam. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ và nông thủy sản có thể sẽ chịu những tác động đáng kể.
- TS Nguyễn Trí Hiếu-

Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Ảnh: AI/QH
Cần Ủy ban xử lý khủng hoảng quốc gia
- Phóng viên: Vậy theo ông, trước nguy cơ dịch chuyển sản xuất như vậy, Việt Nam cần có những giải pháp nào để giữ chân và tiếp tục thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao? Và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhà quản lý cần có những giải pháp gì để ứng phó với chính sách thuế mới này của Mỹ?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, và quan trọng nhất, chúng ta nên tiếp tục các nỗ lực đàm phán với Bộ Ngân khố và Bộ Thương mại Mỹ để tìm kiếm khả năng giảm mức thuế. Việc duy trì đối thoại và đưa ra các lập luận dựa trên lợi ích song phương vẫn là cần thiết.
Các phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện việc này, và cần tiếp tục một cách kiên trì và bài bản.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào đàm phán. Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô.
Về vĩ mô, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng các gói tài chính, tín dụng ưu đãi, giảm chi phí logistics và hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo minh bạch và thu hút FDI chất lượng cao là cần thiết.
Chiến lược lâu dài là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu (EVFTA), châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh thông qua xúc tiến thương mại. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng cách đầu tư vào hạ tầng, nhân lực, R&D và đổi mới sáng tạo. Cuối cùng, cần tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, tuân thủ quy định và chủ động giải quyết tranh chấp.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao và mở rộng thị trường. Ảnh: QH
Ở cấp độ vi mô, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng, giảm chi phí, đầu tư công nghệ và tối ưu hóa quản lý, chuỗi cung ứng. Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài yếu tố.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao và mở rộng thị trường. Xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Chủ động tìm hiểu và thích ứng với các quy định thương mại quốc tế, đặc biệt là của Mỹ.
- Phóng viên: Như những gì ông chia sẻ, có thể thấy bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam cũng cần có sự thay đổi để thích ứng.Việt Nam cần rút ra những bài học gì để tăng cường tính tự chủ, khả năng chống chịu trước những biến động của thế giới, và cần có những điều chỉnh chiến lược, chính sách thương mại và đầu tư như thế nào để phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp?
+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra từ những biến động trên thế giới là sự cần thiết phải có một cơ chế ứng phó khủng hoảng hiệu quả và linh hoạt. Tôi đã nhiều lần đề xuất về việc thành lập một Ủy ban Xử lý Khủng hoảng quốc gia, tương tự như các cơ quan mà Mỹ và nhiều quốc gia khác có.
Cơ quan này sẽ giúp chúng ta dự đoán, lường trước các khủng hoảng kinh tế, thương mại có thể xảy ra và xây dựng các phương án giải quyết kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất và có các giải pháp ứng phó chủ động.

Cần có một chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia rõ ràng, tập trung vào các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: QH
Về điều chỉnh chiến lược, trong lĩnh vực thương mại, chúng ta cần có những chiến lược dự phòng và tăng cường khả năng chống chịu. Ví dụ, nếu thị trường Mỹ gặp vấn đề, chúng ta cần có sẵn các thị trường thay thế tiềm năng và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để họ có thể chủ động chuyển hướng kinh doanh. Đồng thời, cần xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau cho từng tình huống cụ thể.
Về lâu dài, Việt Nam cần tập trung vào nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường lớn hoặc một số ngành hàng nhất định. Điều này đòi hỏi việc đầu tư mạnh mẽ vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng trong sản phẩm, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và thị trường xuất khẩu.
Cần có một chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia rõ ràng, tập trung vào các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc thành lập Ủy ban Xử lý Khủng hoảng quốc gia giúp chúng ta dự đoán, lường trước các khủng hoảng kinh tế, thương mại có thể xảy ra và xây dựng các phương án giải quyết kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: QH
Tổng thống Trump nói về cuộc điện đàm với Tổng bí thư Tô Lâm
Trưa 4-4 (giờ địa phương), trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vừa có một cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.
Ông Trump viết: “Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông ấy cho biết Việt Nam sẵn sàng giảm thuế quan xuống mức 0 nếu đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta gửi lời cảm ơn đến ông ấy và bày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp trong thời gian tới.”
Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, theo báo Nhân Dân. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.