Chuyên gia góp ý về Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lợi ích và cơ hội to lớn cho TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM). (Ảnh trong bài: Phương Thảo)

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM). (Ảnh trong bài: Phương Thảo)

Mới đây, tại buổi làm việc với Tổng lãnh sự Australia và Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Australia (NAB), Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP HCM kỳ vọng đến 2045 sẽ phát triển ngang tầm các trung tâm đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á. Đến năm 2030, GRDP đạt 14.800 - 15.400USD/người. Để đạt được các mục tiêu này, một trong những ưu tiên quan trọng hiện nay của TP là xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) của Việt Nam tại TP HCM.

TTTCQT sẽ kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính quốc tế, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao cho DN trong và ngoài nước.

Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng, TTTCQT sẽ tạo động lực tăng trưởng mới và góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở đó, lãnh đạo TP mong muốn NAB tìm hiểu các cơ hội hợp tác phát triển TTTCQT của Việt Nam tại TP HCM, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm về chiến lược phát triển TTTCQT.

Trước đó, Bộ Chính trị có Kết luận 47-TB/TW ngày 15/11/2024 về đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế. Ngay sau đó, để triển khai kết luận của Bộ Chính trị, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, TP HCM được xác định là đầu tàu với vai trò huyết mạch thu hút luân chuyển vốn, là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Khi TTTCQT đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo cơ hội cho các đối tác trong và ngoài nước, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế; giúp TP trở thành điểm sáng kinh tế, đồng thời là điểm đến hấp dẫn, người dân có chất lượng cuộc sống cao, là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ.

Góp ý về mô hình và cơ chế hoạt động của TTTCQT, GS.TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TP HCM, một trong những nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, quản trị được đánh giá có tầm ảnh hưởng thế giới) nêu quan điểm, đề án TTTCQT tại TP HCM hiện còn một số vấn đề cần cụ thể hơn nữa; như thế nào là TTTCQT? TTTCQT ngày nay khác gì so với trước đây? TP HCM phải làm gì?

“Nói đến mô hình, chúng ta có thể hình dung TTTCQT gồm một trung tâm để hỗ trợ cho các cơ chế tài chính, như các ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức định giá xếp hạng, Cty Luật, DN logistic... Đây là nơi các DN tìm đến để thực hiện các dịch vụ tài chính như thu hút vốn nhàn rỗi để đầu tư, thực hiện các dịch vụ tài chính hợp thành. Thông thường, các TTTCQT được hình thành theo cụm, vùng, vị trí địa lý của mỗi TP hoặc một quốc gia”, GS.TS Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, để TTTCQT được hình thành, có một số điều kiện cần: Có sự xuất hiện của các định chế tài chính, như các ngân hàng lớn, các tổ chức định giá, Cty luật tư vấn tài chính có tên tuổi; có hệ thống hạ tầng phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của các chuyên gia (khách sạn, nhà ở, trường học); hạ tầng về công nghệ thông tin đủ tốt, bảo mật, gắn với nơi các DN đặt trụ sở (DN cũng chính là khách hàng của TTTCQT). Cạnh đó, phải có hạ tầng mềm, ví dụ DN muốn lập cơ quan, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh thì phải làm thế nào cho hiệu quả?

“Các thông tin trên phải được công khai để DN tự tìm hiểu. Cán bộ cần trực tiếp chào mời các đối tượng đến hoạt động tại TTTCQT. Không chỉ là chào mời mà còn hướng dẫn, tư vấn các DN tiếp cận với các dịch vụ”, GS.TS Vinh nói.

Một cuộc gặp trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại TP HCM.

Một cuộc gặp trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại TP HCM.

Một điểm khác cũng rất quan trọng, là hạ tầng pháp lý, trong đó có các dịch vụ tài chính mới. Muốn vậy, hệ thống luật lệ phải được xây dựng theo hướng vừa mở, vừa kiểm soát, cho phép làm cái mới nhưng Nhà nước phải kiểm soát được rủi ro, cũng như phải có cơ chế thí điểm, cơ chế đặc thù riêng, theo ông Vinh.

GS. TS Vinh nhận xét, thời gian qua, chính quyền TP HCM đã có những bước đột phá, làm được nhiều việc mang đậm tính chất kiến tạo. “TP cũng phải tính tới phương án bộ máy theo hướng sắp xếp một bộ phận đa lĩnh vực để phù hợp tình hình đổi mới của đất nước và thế giới”, GS.TS Vinh góp ý.

Hà Phương Thảo

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-gia-gop-y-ve-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-post540385.html