TP HCM và Đà Nẵng cần chuẩn bị hạ tầng, nhân lực cho Trung tâm tài chính

Dự thảo Nghị quyết về phát triển Trung tâm tài chính dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5-2025

Chiều 21-2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Đồng thời, phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, phát triển TTTC tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực TTTC. Trong đó, thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý TTTC và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể...

Về nguyên tắc, chính sách thành lập và hoạt động của TTTC, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC.

Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích lựa chọn, thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển TTTC. Các giao dịch, hoạt động tại TTTC được thực hiện bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Nghị quyết được xây dựng nhằm hình thành cơ sở pháp lý giải quyết 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, tạo lập các quy định về tổ chức bộ máy; Thứ hai, quy định về chính sách cho TTTC, nhất là quy định về xuất nhập cảnh, lao động, chính sách tiền tệ, thuế. Thứ ba, xây dựng quy định của Nhà nước về quản lý các trung tâm, cụ thể là trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng là như thế nào và trách nhiệm của các thành phố có các TTTC là như thế nào.

"Chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát. Phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách mà chúng ta đang dự kiến xây dựng. Phải có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách đối với nền kinh tế"- Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5-2025.

Đối với 2 thành phố thụ hưởng là TP HCM và Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình yêu cầu cần tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng cho sự vận hành của các TTTC.

Trên cơ sở thảo luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để chúng ta "có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể", trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-va-da-nang-can-chuan-bi-ha-tang-nhan-luc-cho-trung-tam-tai-chinh-196250221184555307.htm