Chuyên gia Hàn Quốc 'cắt nghĩa' học thuyết hạt nhân mới của Triều Tiên, có điều gì bất ngờ?

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, Triều Tiên dường như muốn tối đa hóa khả năng răn đe bằng cách tuyên bố vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng ngay cả khi bắt đầu xung đột.

Vừa qua, Triều Tiên đã ban hành luật về các điều kiện tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. (Nguồn: Istock Photo)

Vừa qua, Triều Tiên đã ban hành luật về các điều kiện tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. (Nguồn: Istock Photo)

Các chuyên gia ngày 21/9 nhận định, luật mới ban hành về chính sách hạt nhân của Triều Tiên để mở đường cho các cuộc tấn công phủ đầu dường như nhằm củng cố năng lực răn đe trước các mối đe dọa từ bên ngoài.

Phát biểu tại một diễn dàn do Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) ở Seoul tổ chức, nhà nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Kim Bo Mi cho hay: "Triều Tiên đã thay đổi thế trận hạt nhân khi xác định, chỉ sở hữu vũ khí hạt nhân không thể đảm bảo an ninh quốc gia. Ý định của Triều Tiên dường như muốn tối đa hóa khả năng răn đe bằng cách tuyên bố vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng ngay cả khi bắt đầu xung đột".

Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Triều Tiên tại KINU Hong Min cũng lưu ý đến những điểm khác biệt giữa học thuyết mới của Bình Nhưỡng và đạo luật năm 2013 của nước này đã nêu rõ vị thế của Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân.

Trong luật năm 2013, ông Hong Min nói: "Mục đích của lực lượng hạt nhân chủ yếu tập trung vào việc tránh các mối đe dọa từ bên ngoài, nhưng luật gần đây đã tích cực đưa ra nhiều ý nghĩa hơn cho vai trò của vũ khí hạt nhân để tạo ra 'sự ổn định chiến lược' ngoài khả năng răn đe chống lại các mối đe dọa".

Trước đó trong tháng này, Triều Tiên đã ban hành luật về các điều kiện tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, trong đó bao gồm thời điểm nước này phải đối mặt với mối đe dọa đối với an ninh của Bình Nhưỡng.

(theo Yonhap)

Vy Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-han-quoc-cat-nghia-hoc-thuyet-hat-nhan-moi-cua-trieu-tien-co-dieu-gi-bat-ngo-199082.html