Chuyên gia Hàn Quốc lý giải phản ứng bí ẩn của truyền thông Triều Tiên sau vụ phóng IRBM
Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, sự im lặng khác với bình thường của truyền thông Triều Tiên trước vụ phóng thử tên lửa IRBM ngày 4/10 có thể là tín hiệu cho thấy, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các hành động làm gia tăng cẳng thẳng trên bán đảo.
Ngày 5/10, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn giữ im lặng, không đề cập vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) một ngày trước đó. Cụ thể, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Đài Truyền hình Trung ương và tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên hiện chưa đưa bất cứ thông tin gì về vụ việc này.
The Korea Times dẫn bình luận từ các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 bùng phát và tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên là những lý do có thể khiến truyền thông nước này hạn chế đưa tin về các vụ phóng tên lửa.
Bên cạnh đó, các nhà quan sát cho biết thêm, sự im lặng của Bình Nhưỡng cũng có thể là tín hiệu cho thấy chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quân sự thông qua các hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên như hiện nay.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa tin về các hoạt động công khai của Chủ tịch Kim Jong Un kể từ ngày 9/9.
Trước tình hình này, ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7 trong tương lai gần.
Trước đó, Triều Tiên thường công khai về thành công của các vụ thử vũ khí thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước, cùng với đó là hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng chỉ đạo các vụ thử nghiệm. Tuy nhiên, kể từ tháng 5 vừa qua, Triều Tiên không công khai về các vụ thử tên lửa, bao gồm cả vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 25/5.